“Chơi ạ!”, cả lớp đồng thanh. Hơn 50 chục đôi mắt nhìn cái rổ trong tay thầy mà tò mò không biết có trò gì.
“Mỗi bạn có 1 phút, hãy xé một tờ giấy và gấp ngay một chiếc máy bay”, thầy giáo nói nhanh.
Ngay lập tức tiếng xé giấy loạt xoạt, cả lớp hì hục gấp máy bay với rất nhiều hình dáng khác nhau. Có cái trông như tàu lượn, có cái lại giống con chim, có cái cánh dài, có cái cánh rộng. Tất cả đều hài lòng với sản phẩm của mình, và đang háo hức xem nó thể hiện.
“Các bạn có thể viết tên lên máy bay, hoặc trang trí để nhận ra đó là của mình”, thầy giáo nói tiếp. Tiếng bút loạt xoạt, các máy bay giờ đã có thêm tên tuổi, số hiệu, một số cái còn có cả màu sắc và những hình vẽ sặc sỡ.
“Hết giờ, mời các bạn đứng sát tường quanh lớp“, thầy giáo đặt cái rổ ở giữa lớp và nói“Tôi sẽ đếm 1 tới 3 và tất cả cùng phi, phần quà đặc biệt sẽ dành cho chủ nhân của chiếc máy bay rơi trúng rổ… 1… 2… 3″
Hàng chục chiếc máy bay giấy bắt đầu lượn loạn khắp phòng, cùng với những tiếng hú hét tiếc nuối. Khi tất cả lũ máy bay đã yên vị trên sàn, thầy giáo bước lại gần cái rổ và nhấc nó lên đổ ra bàn. Cả lớp ồ lên một tiếng, chỉ có duy nhất một chiếc “máy bay” rớt ra từ cái rổ. Và nó có hình dạng… là một tờ giấy vo tròn.
Bài học mà bạn rút ra từ câu chuyện vừa rồi là gì?
Có thể bạn thấy rằng các thầy cô giáo nên cố gắng mở màn bài giảng của mình bằng một trò chơi sôi động. Có thể bạn thấy rằng nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò, phải kiểm tra thật kỹ để không có học sinh ‘lách luật’ trong các trò chơi. Còn tôi thì nhận ra rằng : luôn có một cách nào đó đơn giản hơn ta tưởng.
Vấn đề là người ta thường quên đi mục tiêu gốc ban đầu nên dần dần sa đà lạc hướng. Giống như mục tiêu thầy giáo đưa ra là ném vào rổ, chứ đâu phải là gấp ra những chiếc máy bay phức tạp đẹp mắt. Cuộc sống vốn đơn giản, nhưng người ta cứ hay làm nó phức tạp lên. Và bài viết này sẽ giúp bạn tự tạo ra một “triết lý sống” đơn giản chỉ với 3 chữ cái!
“Triết lý sống của bạn là gì?”, nếu có ai đó hỏi tôi như vậy, tôi sẽ hỏi “Triết lý sống là cái gì?”.
“À, tức là bạn làm gì để cuộc đời trở nên ý nghĩa ấy mà?”, họ nói.
Tôi trả lời “Ồ, sao không nói sớm cho đơn giản. Vậy thì triết lý sống của tôi là TLV”
Tập Làm Văn ư? Tập Làm Vườn? Hay là… Tập Làm Vợ? Đều không phải.
Suy cho cùng, cuộc đời là khoảng 29.000 ngày, hoặc cụ thể hơn thì là một tập hợp những công việc bạn làm hàng ngày. Vậy nếu như mỗi ngày bạn sống, bạn đều làm việc ý nghĩa, thì chắc chắn cả cuộc đời bạn sẽ thật ý nghĩa! và T.L.V là viết tắt của 3 việc ý nghĩa tôi làm mỗi ngày.
T là Tĩnh tâm
Nếu cuộc đời như dòng sông, thì cơ thể như con tàu, còn tâm trí là người thuyền trưởng. Một tâm trí bất an, dễ dao động, là nguyên nhân của mọi khó khăn trong cuộc sống. Cho nên mỗi ngày tôi đều cố gắng dành ít nhất 30 phút để tĩnh tâm, có những ngày có nhiều thời gian thì có thể ngồi tới 2 tiếng. Đơn giản cho phép mình ngồi yên, tĩnh lặng, và cảm nhận cơ thể, đây là cách rất hiệu quả để nạp năng lượng với một người ‘hướng nội’ như tôi.
L là Luyện não
Nếu con người là một cái cây, chân tay là cành nhánh, thì gốc rễ sẽ là bộ não. Một bộ não khỏe mạnh chắc chắn sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn một bộ não yếu ớt. Một bộ não có khả năng tính nhẩm siêu nhanh, ghi nhớ siêu tốt chắc chắn sẽ xử lý vấn đề nhanh nhạy hơn một bộ não không có sự luyện tập. Do vậy hàng ngày, tôi đều kiên trì luyện tập bình phương nhẩm & ghi nhớ những biển số xe trên đường, một công việc vô cùng thú vị.
V là Viết lách
Viết lách không những là cách để bạn rèn luyện tiếng nói bên trong, tiếng nói của tâm hồn mình. Mà còn là một cách để bạn chia sẻ và giúp đỡ người khác. Cải cảm giác thi thoảng có người xa lạ không quen biết, đọc bài viết của mình, và gửi lời cảm ơn rất là tuyệt. Nhiều lúc gặp chuyện không vui, nhưng khi tự nhiên giúp được một ai đó như vậy thì lại thấy vui hơn, tích cực hơn.
T.L.V nghe tuyệt đấy chứ. Từ hồi phát hiện ra điều này, mỗi ngày thức dậy trong đầu tôi đều bật lên câu hỏi “hôm nay mình sẽ TLV vào lúc nào?”, và khi kết thúc ngày tôi đều cảm thấy rất hạnh phúc. Thật đơn giản phải không nào, nhưng liệu có thể áp dụng được cho bạn được không?
Câu trả lời là còn tùy. Vì TLV có thể nó đúng với tôi, còn chưa chắc đúng với bạn.
Tốt nhất là hãy tự tìm ra 3 chữ cái bí mật của bạn bằng 4 bước đơn giản dưới đây!
Bước 1 : Hãy liệt kê ra ít nhất 10 công việc có ý nghĩa mà bạn đã từng làm.
Bước 2 : Hãy đánh giá và chấm điểm từ 1-10 công việc đó theo 3 tiêu chí gợi ý sau :
- Mức độ đơn giản : càng đơn giản, càng dễ làm càng được điểm cao
- Mức độ thích thú : khi làm bạn càng vui vẻ, thoải mái, điểm càng cao
- Mức độ ý nghĩa : nó giúp ích gì cho bạn, cho mọi người? nó có phục vụ một mục tiêu lâu dài nào đó?
Bước 3 : Hãy lựa chọn ra 3 việc bạn thấy ưng ý nhất, và tóm chúng lại bằng những từ khóa.
Bước 4 : Bước này không bắt buộc, nhưng nếu có thể hãy tìm ra cho chúng một sự liên kết thú vị.
Ví dụ tôi tìm ra 3 việc là Viết lách, Tĩnh tâm, Rèn luyện não bộ. Tôi tóm “rèn luyện não bộ” thành Luyện não, và tìm ra mối liên hệ là T.L.V rất dễ nhớ. Có thể bạn sẽ tìm ra H.T.T (hoa học trò) với H là Hát hò, T là Tập chạy, T nữa là Trò chuyện. Hoặc có thể bạn tìm ra là TNT, với T là Tập nhảy, N là Nói chuyện, T là Tính toán (lập kế hoạch tương lai).
Như đã lưu ý trước, bạn không nhất thiết phải ép ra những chữ cái viết tắt này, vì mục đích của nó chỉ là dễ nhớ mà thôi. Nếu bạn tìm ra được 3 chữ cái là TDN với T là Tập đàn, D là Dậy sớm, N là Ngắm sao chẳng hạn. Thì bạn hoàn toàn có thể chế TDN = Tới Đà Nẵng! Một lần nữa, quan trọng nhất đây là 3 việc đơn giản, dễ nhớ, ý nghĩa. Và nếu bạn muốn trợ giúp, hãy comment phía bên dưới!
Bên cạnh đó, để biết được chính xác 3 việc đó đã phù hợp hay chưa. Bạn nên tập thói quen theo dõi bản thân mình. Cá nhân tôi có một file excel để ghi lại chính xác những gì mình làm mỗi ngày, mỗi giờ. Kèm theo là một hệ thống công thức tự soạn giúp tôi nhận ra xem đã bao lâu tôi không làm một điều gì đó. Nhờ vậy mà cứ đợt nào bắt đầu có dấu hiệu trì trệ, tôi biết ngay là do mình ít làm một việc gì đó. Từ ấy tôi có kế hoạch điều chỉnh để cân bằng.
Tôi luôn tin một điều rằng, những người thành công nhất, hạnh phúc nhất, là những người có cách suy nghĩ đơn giản nhất về cuộc sống của họ. Và họ luôn có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi “Sống để làm gì?”. Các bước trên tuy đơn giản thôi, song tôi tin chắc rằng, đây có thể là lựa chọn sẽ làm thay đổi phần đời còn lại của bạn. Và biết đâu một ngày nào đó, khi con cháu bạn hỏi bạn sống để làm gì, bạn có thể gây ngạc nhiên bằng một câu trả lời…
Tôi sống để TLV! Bố sống để làm BTVN mỗi ngày! Ông có một bí mật là TNT
Mong tin tốt lành từ bạn,