GIÁO DỤC BÌNH ĐỊNH NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG
***
I. GIÁO DỤC BÌNH ĐỊNH THỜI KỲ PHONG KIẾN (1471-1918)
1. Phủ Hoài Nhơn sau 1471
Bình Định xưa là vùng đất cũ của vương quốc Chăm Pa cổ với thủ đô là thành Đồ Bàn. Từ 1471 dưới Triều Lê Thánh Tôn, vùng đất này thuộc phong kiến Việt Nam và có tên là Phủ Hoài Nhơn thuộc Thừa Tuyên Quảng Nam.
Phủ Hoài Nhơn đặt phủ lỵ tại thành Đồ Bàn cũ, có 3 huyện là Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn cùng 33 xã (1). Hai mươi năm sau, năm 1490, số xã tăng đến con số 100. Năm 1578, sau 1 thế kỷ mở đất, những đoàn người Việt từ Đàng Ngoài đã lần lượt vào khai thác và xây làng lập ấp ở trên nhiều vùng đất của tỉnh Bình Định bây giờ. Tại nơi ở mới có nhiều người có trình độ nho học. Đó là những hạt giống văn tự ở các địa phương để đến giữa thế kỷ 17 những hạt giống ấy đã làm cho việc học khởi sắc.
Như thế đến cuối thế kỷ thứ 16, ở phủ Hoài Nhơn mới bắt đầu hình thành lớp học tư ở thôn ấp. Lớp học được đặt ở nhà dân hoặc nhà thầy giáo, quy mô từ 5, 7 học sinh đến vài chục trở lên. Nội dung giảng dạy là Nho học. Văn tự chính là chữ Hán. Thầy giáo là các thầy khóa, thầy đồ ở Đàng Ngoài vào. Chỉ có phủ lỵ mới có trường công.
Từ thế kỷ 16, chế độ phong kiến bắt đầu suy tàn. Nội dung giáo dục và chế độ thi cử ngày một suy đồi. Việc dạy và học thiên về lối học từ chương, sáo ngữ cốt để thi cử đỗ đạt ra làm quan.
Năm 1660 có khoa thi đầu tiên ở Thuận Quảng nhằm tuyển người vào bộ máy nhà nước.
Năm 1768, dưới thời Nguyễn Phúc Thuần, Đàng Trong có kỳ thi Hương đầu tiên. Đặng Đức Siêu quê làng Phụng Can, huyện Bồng Sơn là một trong lớp người Bình Định đầu tiên thi đậu Hương Tiến (Cử nhân).
2. Giáo dục dưới triều Tây Sơn (1786-1802)
Chế độ phong kiến Việt Nam sau khi đạt tới đỉnh cao thịnh trị ở triều Lê sơ, từ thế kỷ 16 đã tuột dài trên con đường suy thoái.
Năm 1786, sau khi đuổi Nguyễn ở trong Nam, dẹp Trịnh ở ngoài Bắc, nhà Tây Sơn mà linh hồn là Vua Quang Trung, bắt tay xây dựng đất nước trong đó giáo dục có những điều đổi mới.
a) Lập viện Sùng chính, cử Nguyễn Thiếp làm viện trưởng chuyên coi việc học nhằm hưng khởi chính học để đào tạo những người thật sự có đức, có tài. Năm 1789, Quang Trung mở khoa thi đầu tiên ở Phú Xuân để chọn người tài giỏi. Đinh Sĩ An quê Bình Khê, Phạm Văn Trung quê Phù Mỹ, Phạm Cần Chính quê Phù Cát đã trúng tuyển.
b) Phát triển giáo dục rộng rãi hơn các triều đại trước. Trường được mở đến tận xã, các lớp tư vẫn tiếp tục duy trì; nhân dân đề cử thầy giáo, nhà nước khảo hạch và công nhận.
c) Chữ Nôm đã có từ lâu song phải đến Triều Tây Sơn mới được Quang Trung nâng lên địa vị xứng đáng với mong muốn thoát ly hẵn chữ Hán nhằm gìn giữ tính cách và tâm hồn Việt Nam. Chữ Nôm được dùng trong thi cử. Sách chữ Hán được lần lượt dịch ra chữ Nôm.
Mùa xuân 1792, Quang Trung mất đột ngột, 10 năm sau Nhà Tây Sơn sụp đổ, những chủ trương tiến bộ về giáo dục đành bỏ dở.
3. Giáo dục dưới triều Nguyễn (1802-1918)
Lập triều Nguyễn Trung hưng vào 1802, Nguyễn Ánh chủ trương khôi phục chế độ khoa cử thời Lê sơ nhằm:
Một là đề cao Nho học, chỗ dựa tinh thần của giai cấp thống trị phong kiến.
Hai là đào tạo quan lại phục vụ bộ máy chuyên chế đồ sộ của Triều Nguyễn.
Ngay khi mới lên ngôi, ở Bình Định, Gia Long cho lập Văn Miếu thờ Khổng tử, ông tổ của Nho học, tại thôn Vĩnh Lại (nay thuộc xã Cát Hanh). Minh Mạng lập Văn chỉ Bồng Sơn, Tuy Phước và Phù Mỹ. Năm 1805, Đặng Đức Huy quê Hoài Nhơn được cử giữ chức Đốc học đầu tiên để trông coi việc học cả trấn Quy Nhơn. Trường ở phủ do Giáo thọ phụ trách. Trường ở huyện được giao cho Huấn đạo. Các trường lớp tư ở làng xã do dân và các thầy đồ mở ra giống như các triều đại trước. Hệ thống trường lớp trong tỉnh có trách nhiệm rèn học sinh có đủ trình độ đi thi Hương.
Năm 1851 Tự Đức lập Trường thi Bình Định dành cho thí sinh tỉnh Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Đây là 1 trong 7 Trường thi trong cả nước.
Trường thi ở Tây Nam thành Bình Định có thành cao 2m, chu vi 1000m. Cứ 3 năm có khoa thi Hương vào tháng 4. Trường thi Bình Định mở khoa thi đầu tiên vào năm 1852 và khoa thi cuối cùng mở vào năm 1918. Trường thi mở được 24 khoa thi kể cả Ân khoa.
Người đậu 4 trường gọi là Hương Cống (Cử nhân), đậu 3 trường gọi là sinh đồ (Tú tài). Cứ lấy đỗ một cử nhân thì lấy đỗ 3 tú tài. Người đậu Cử nhân được dự thi Hội, thi Đình để lấy học vị Tiến sĩ, Phó bảng.
Kể từ khi Bình Định có người đậu Hương tiến (Cử nhân) đầu tiên năm 1768 đến khi các khoa thi chữ Hán chấm dứt trên cả nước năm 1919 thì Bình Định có khoảng 700 Tú tài, 250 cử nhân, 3 phó bảng và 5 tiến sĩ(2). Người đậu tiến sĩ đầu tiên của Bình Định là Lê Văn Chân quê Phù Mỹ khai khoa tiến sĩ năm 1835 lúc 18 tuổi.
Nho giáo ở nước ta đã để lại trong các thế hệ học sinh nhà trường phong kiến nhiều truyền thống tốt đẹp: hiếu học, tôn sư trọng đạo, liêm chính và thương người. Song nho học cũng đã đào tạo ra những lớp người bảo thủ, xa rời thực tế, lạc hậu trước thời cuộc, trước những biến cố đang từng ngày từng giờ đe doạ sự mất còn của dân tộc.
Năm 1858 trước thế lực ngoại xâm của thực dân Pháp, nền kinh tế xã hội bây giờ không đủ sức ngăn cản và không đủ khả năng tiếp thu cái mới, cái tiến bộ. Nước Việt Nam mất vào tay thực dân Pháp.
II. GIÁO DỤC BÌNH ĐỊNH DƯỚI THỜI PHÁP THUỘC (1858 – 1945)
Năm 1858 thực dân Pháp bắt đầu nã súng xâm lược vào Đà Nẵng, phải 40 năm sau họ mới bình định được Việt Nam. Để thiết lập cho được một nền giáo dục làm công cụ phục vụ sự thống trị có hiệu quả, thực dân Pháp còn phải mất một thời gian dài hơn, ngót 60 năm (1858 - 1917)
Buổi đầu nền giáo dục Pháp - Việt chưa có điều kiện phát triển vì nhân dân ta còn nặng tư tưởng bài Pháp. Trong lúc đó hệ thống giáo dục phong kiến vẫn còn nguyên vẹn. Vã lại nhà cầm quyền Pháp cần phải duy trì Nho học để thu phục từng lớp sĩ phu, làm chỗ dựa phát triển nền giáo dục thực dân.
Ở Bình Định nền giáo dục Nho học và Pháp - Việt đã tồn tại đến 1918. Từ đây nền giáo dục của Pháp mới được hoàn chỉnh dần.
Hệ thống các trường công lập như sau:
+ Hương trường: Trường ở thôn do một hương sư dạy lớp Đồng ấu và Dự bị (lớp 1,2 bây giờ). Đây là loại lớp phát triển nhất dưới thời Pháp thuộc, thu hút đến 75% học sinh tiểu học thời bấy giờ.
+ Trường Tổng: Tổng gồm 10 đến 18 thôn. 1/3 trường Tổng có thêm lớp 3 (cours Elémentaire). Các trường Tổng khác cũng chỉ có các lớp Đồng ấu, Dự bị.
+ Trường Tiểu học: Huyện hoặc Phủ có 1 hoặc 2 trường Tiểu học có đến lớp Nhất (cours Supérieur). Hệ thống trường Dòng xuất hiện rất sớm ở Hoài Nhơn, An Nhơn, Quy Nhơn. Ở Phù Cát và An Nhơn có trường Tiểu học Tư thục.
+ Trường Cao đẳng Tiểu học: Ở Tỉnh lỵ Quy Nhơn có Collège de Quy Nhơn dành cho các tỉnh duyên hải Miền Trung từ Quảng Nam trở vào và các tỉnh Tây Nguyên. Từ nhiều năm, Collège de Quy Nhơn hằng năm chỉ có 4 lớp với 180 học sinh trong đó Bình Định có 80 người.
Quy Nhơn còn có trường Tư thục Nam Anh, trường Tư thục Võ Tánh có đến bậc Cao đẳng Tiểu học.
Tuy hệ thống trường lớp khá hoàn chỉnh song việc đi học dưới thời Pháp thuộc thật khó khăn. Năm 1936, tỷ lệ học sinh các cấp so với dân số chỉ chiếm 2,42%, trong đó 2% là học sinh bậc sơ học (lớp 1,2,3 bây giờ) còn học sinh Tiểu học, Cao đẳng tiểu học và Trung học chỉ còn 0,42% (3).
Tỷ lệ trên thể hiện rõ chủ trương phát triển giáo dục theo chiều ngang khiến đại đa số trẻ em Việt Nam khó được học lên, nếu may mắn được đến trường thì cũng chỉ dừng lại ở trình độ biết đọc biết viết.
Cùng với chính sách làm “dân ngu” nhà cầm quyền Pháp, qua nội dung giáo dục còn có âm mưu đồng hóa người Việt Nam, biến họ thành những người nô lệ phục vụ cho mẫu quốc Pháp.
Tuy thế, hơn 80 năm tồn tại, nền giáo dục Việt - Pháp cũng có những đóng góp nhất định. Nó đã thay thế nền giáo dục Nho học đã lỗi thời, đưa vào nhà trường chữ quốc ngữ giúp trẻ em Việt Nam tiếp thu dễ dàng những kiến thức thiết thực. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam cũng đã có thời học ở Collège de Quy Nhơn.
Vào nửa đầu thế kỷ 20 “phong trào Đồng bào” chống sưu cao thuế nặng, đòi dân sinh dân chủ, nổ ra ngay trên đất Bình Định, tấm gương tự cường của nước Nhật, những đổi mới của nước Trung Hoa phong kiến đã thúc đẩy những học sinh vốn có ý thức tự trọng và lòng yêu nước tiến gần với cách mạng.
Liên tục từ 1925 đến 1927, học sinh Hoài Nhơn, Phù Cát, Bình Khê, Quy Nhơn …đã đưa yêu sách đòi thả cụ Phan Bội Châu, tổ chức truy điệu cụ Phan Chu Trinh, tổ chức viếng mộ Mai Xuân Thưởng, phản đối nhà cầm quyền Pháp đàn áp khủng bổ, đòi tăng giờ dạy môn quốc văn, môn lịch sử Việt Nam…
Tháng 10/1930 Chi bộ Cộng sản đã bí mật ra đời ngay trong trường Collège de Quy Nhơn để 15 năm sau trở thành tổ chức dẫn đầu đoàn học sinh đi giành chính quyền ở Quy Nhơn sáng 23/8/1945.
III. GIÁO DỤC BÌNH ĐỊNH TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP (1945-1975)
Sau khi giành được chính quyền một cách thuận lợi trong cách mạng tháng 8/1945 nhân dân Việt Nam đã phải gian khổ chiến đấu trong 30 năm liền chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân của mình.
Trong hai cuộc chiến đấu thần thánh ấy trên quê hương mình, giáo dục Bình Định đã có những đóng góp đáng tự hào.
1. Giáo dục Bình Định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1955)
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, giáo dục tỉnh Bình Định có những thuận lợi rất lớn:
a) Bình Định là vùng tự do hoàn toàn. Thực dân Pháp đã liên tục đổ quân tấn công từ nhiều phía mong sớm chiếm kho người, kho của Bình Định nhưng tất cả các cuộc hành quân của chúng đều thất bại.
b) Từ thời phong kiến và Pháp thuộc Bình Định có những cơ sở giáo dục lớn: Văn miếu, Trường thi Hương, Trường Quốc Học nên sớm trở thành nơi có truyền thống học tập.
Ngày 8/9/1945, 6 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chống nạn thất học như chống nạn ngoại xâm và cho lập Nha Bình dân học vụ ở Trung ương. Các tỉnh, thành có ty BDHV, các huyện các xã có các ban BDHV.
Ở Bình Định, Trưởng ty BDHV đầu tiên là ông Lê Đại Lý. Ty BDHV Bình Định có đội tuyên truyền lưu động, lần lượt đi khắp các xã trong tỉnh vừa biểu diễn văn nghệ cổ động phong trào xóa mù vừa tập huấn cho người làm công tác xóa mù. Một phong trào người người đi học, nhà nhà thành lớp dấy lên sôi nổi, hào hứng. Khi cuộc kháng chiến bùng nổ, Trung ương Đảng CSVN chỉ thị: Đi học là kháng chiến. Tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương trừ giặc dốt.
Đáp lại lời kêu gọi của Đảng, nhân dân Việt Nam tay bút, tay súng diệt giặc dốt, diệt xâm lăng.
Cuối 1948 hai huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước xóa xong nạn mù chữ trong đó xã Phước Lộc (Tuy Phước) được công nhận là con chim đầu đàn của Tỉnh. Tháng 3/1949 toàn tỉnh Bình Định xóa xong nạn mù chữ. Giã Như Lang quê Cửu Lợi (Hoài Nhơn), vừa làm giao liên vừa làm giáo viên BDHV được tuyên dương chiến sĩ BDHV toàn Khu 5.
Sau cách mạng tháng 8/1945, cùng với Ty BDHV, Ty Tiểu học vụ Bình Định được thành lập. Ông Hà Thúc Làng được cử giữ chức Trưởng Ty từ 3/1946 đến 1949.
Hệ thống giáo dục phổ thông cũ 13 năm vẫn được giữ nguyên nhưng chương trình, nội dung giảng dạy có nhiều thay đổi cơ bản: Dạy bằng tiếng Việt thay cho tiếng Pháp, môn tiếng Việt được tăng cường, các môn lịch sử, địa lý có thay đổi lớn, tiếng Pháp được dạy như một ngoại ngữ, các môn khoa học tự nhiên không có thay đổi đáng kể.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 từ một nền giáo dục nô lệ, giáo dục Bình Định đã có những biến đổi sâu sắc.
Năm học 1949 - 1950 năm học thứ 5 trong chế độ mới, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Bình Định, trường Trung học Nguyễn Huệ mở bậc Trung học với 3 lớp chuyên khoa gồm có 150 học sinh trong đó có 5 nữ sinh. Đây là điều mà trong 24 năm tồn tại dưới thời thuộc Pháp (1921 - 1945) Collège de Quy Nhơn không làm được.
Tháng 7/1950, ngành giáo dục cả nước thực hiện cải cách giáo dục lần thứ 1 nhằm phục vụ tốt hơn giai đoạn mới của cuộc kháng chiến.
Hệ phổ thông 9 năm, 3 cấp thay thế hệ thống giáo dục cũ: Cấp 1 (bậc sơ tiểu học cũ) có các lớp 1 đến 4, cấp 2 (bậc cao đẳng tiểu học cũ) có các lớp 5, 6, 7, cấp 3 (bậc Trung học cũ) có lớp 8 và 9.
Mục tiêu đào tạo, phương châm giáo dục được khẳng định: “Giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành người công dân, người lao động tương lai”, “học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn với thực tế”.
Năm 1952, Ty Tiểu học vụ sát nhập với Ty BDHV thành Ty giáo dục Bình Định. Ông Nguyễn Đức Ràng được cử giữ chức Trưởng Ty (1951 - 1955).
Mặc cho nạn đói hoành hành (1952), mặc cho địch tăng cường đánh phá, vào những năm 1953, 1954, giáo dục Bình Định phát triển chưa từng có. Phần lớn các xã đều có 5 đến 7 trường cấp 1 với 1.000 đến 1.500 học sinh. Trường Trung học Nguyễn Huệ là trường cấp 2, 3 lớn nhất tỉnh với 1.000 học sinh. Các huyện đồng bằng đều có 2 trường cấp 2 với quy mô trên dưới 10 lớp.
Việc mở các lớp Sư phạm đặc biệt, cấp tốc, chủ trương đề bạt giáo viên, trưng tập cán bộ ngoài ngành giáo dục cùng các lớp bồi dưỡng chuyên môn đều đặn cho giáo viên trong những tháng hè đã nhanh chóng cung cấp hằng trăm giáo viên cho các trường cấp 2 đang mở ra khắp nơi sau cải cách giáo dục.
Trong hoàn cảnh bấy giờ việc xã hội hóa giáo dục được tiến hành mạnh mẽ trên tinh thần tự nguyện cao của nhân dân. Trường sở đặt ở đâu, thì chính quyền và nhân dân ở đó lo xây cất. Con em gia đình liệt sĩ ở vùng địch chiếm đóng ra ăn học ở Bình Định được bà con nhận về cưu mang, giúp đỡ. Với khoản phụ cấp ít ỏi, 36 kg gạo/tháng, các thầy cô giáo vẫn hết lòng giảng dạy trong điều kiện thiếu thốn mọi bề. Năm 1952 Mặt trận Liên Việt tỉnh thành lập 4 trường cấp 2 dân lập thu hút cả ngàn học sinh, Ty giáo dục quản lý nhân sự và chuyên môn, nhân dân nộp học phí để trả phụ cấp cho giáo viên.
Nhờ đó mà năm 1953 sỉ số các cấp học đều tăng gấp nhiều lần so với năm 1936 dưới thời Pháp thuộc: Ở cấp 1 sỉ số tăng gấp 2 lần, ở cấp 2 gấp 43 lần, ở cấp 3 gấp 5 lần (sỉ số cấp 3 tăng ít vì sau khi học hết cấp 2, phần lớn học sinh lớp 7 đều ra trường phục vụ kháng chiến, chỉ có 10% học sinh được chọn lên học lớp 8)(4).
Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng cũng có những chuyển biến tích cực. Trong hoàn cảnh kháng chiến khó khăn, chất lượng văn hóa nhất định còn hạn chế song tinh thần tự giác học tập và tinh thần “Học tập để phục vụ nhân dân” đã giúp thế hệ học sinh bấy giờ vươn xa khi có điều kiện học tập tốt hơn. Hàng trăm học sinh đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực. Theo thống kê chưa đầy đủ hơn 80 học sinh thời ấy đạt những học vị, học hàm cao: Tiến sĩ khoa học, Tiến sĩ chuyên ngành, Giáo sư, Phó giáo sư.
Mặt khác của chất lượng giáo dục bấy giờ là thành phần học sinh đã thay đổi hẵn so với nhà trường cũ: 2/3 học sinh là con em gia đình nông dân lao động, 30% học sinh phổ thông là nữ sinh, riêng ở cấp 2 tỷ lệ nữ sinh là 9%, ở cấp 3, 5,6%. Đó là những điều mà Collège de Quy Nhơn trước đây chưa hề có.
Đây là chặng đường rất vẻ vang của giáo dục Bình Định.
Ngày 28/7/1954 Hiệp định Giơnever được ký kết. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Miền Nam, từ vĩ tuyến 17 trở vào, đối phương còn tạm thời quản lý. Ngày 15/4/1955, ngày cuối cùng của việc tập kết chuyển quân, tất cả các trường còn lại ở phía Nam Bình Định đóng cửa.
Giáo dục Bình Định đi vào một thời kỳ đấu tranh mới.
2. Giáo dục Bình Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1955 - 1975)
Sau khi Hiệp định Giơnever được ký kết, đế quốc Mỹ đã thay chân Pháp, nhảy vào miền Nam Việt Nam. Mỹ ngụy đã cố sử dụng giáo dục làm công cụ xâm lược Việt Nam. Chúng đã gieo rắc trong học sinh, sinh viên tư tưởng hoài nghi, mơ hồ, tư tưởng an phận, sợ Mỹ, phục Mỹ. Chúng phát triển trong học sinh, sinh viên lối sống thực dụng, quay lưng với hiện tại, chấp nhận cuộc sống vị kỷ ương hèn…. Mặt khác, Mỹ ngụy tìm mọi cách tiêu diệt nền giáo dục cách mạng, tìm cách ngăn chặn, loại trừ những mầm mống cách mạng trong nhà trường.
Vì thế, trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giáo dục Bình Định đã kiên cường đấu tranh bảo vệ nền giáo dục dân tộc, dân chủ, nhân dân đã được xây dựng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuộc đấu tranh ấy đã diễn ra đều khắp ở ba vùng chiến lược: Miền núi, nông thôn, đô thị và đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau cuộc nổi dậy lịch sử của nhân dân Vĩnh Thạnh chống lệnh dồn dân lập ấp của địch, thắng lợi tháng 12/1959, cả huyện Vĩnh Thạnh, miền Tây huyện An Lão, 3 xã huyện Vân Canh đã trở thành vùng giải phóng đầu tiên của Bình Định. Tại đây cơ quan lãnh đạo của tỉnh được thành lập cùng bộ máy các ban ngành trong đó có bộ máy ngành giáo dục.
Năm 1962 hai đồng chí Lê Đức Nhân (Phan Long) và Đặng Hồng Nam (Đặng Đức Cúc) từ miền Bắc về gây dựng cơ sở giáo dục. Cuối năm 1964 tiểu ban giáo dục được thành lập nằm trong Ban truyên huấn Tỉnh. Tháng 12/1971 phong trào giáo dục phát triển mạnh mẽ, tiểu ban giáo dục tách khỏi Ban tuyên huấn hình thành Ban Giáo dục Bình Định do đồng chí Đặng Hồng Nam phụ trách cùng 3 uỷ viên.
Từ 1960, các lớp BDHV, BTVH tại chức được mở ở các làng dân tộc, ở các đơn vị sản xuất, đơn vị bộ đội, ở các cơ quan. Huyện Vĩnh Thạnh, huyện An Lão đã có trường phổ thông nội trú. Ngoài các trường lớp của địa phương, 7 trường tập trung của tỉnh đã lần lượt ra đời trong những năm 1962 - 1972. Đó là trường Sư phạm sơ cấp, những trường Bổ túc văn hoá tập trung, những trường phổ thông nội trú dành cho thanh thiếu niên, cán bộ người Kinh và người dân tộc. Hàng trăm giáo viên tiểu học, hàng ngàn thanh niên có văn hoá đã ra trường được cung cấp cho miền núi, miền xuôi phục vụ kháng chiến.
Cùng thời gian trên, giáo dục Bình Định đã tiếp nhận từ hậu phương lớn miền Bắc 64 giáo viên, cán bộ giáo dục; từ miền xuôi những giáo viên, những thanh niên không cam chịu sống trong sự kìm kẹp của địch đã thoát ly theo cách mạng. Đó là lực lượng quý báu giúp cho giáo dục phát triển khi vùng giải phóng ngày càng mở rộng.
Nông thôn Bình Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp là nơi giáo dục phát triển mạnh mẽ nhất. Đó là điều kiện thuận lợi để khi địch đến lập chính quyền, nhân dân ta lợi dụng chủ trương mở nhiều trường để rêu rao tính “ưu việt” của chính quyền Sài Gòn, đã đấu tranh mở nhiều trường lớp dạy hợp pháp và bán hợp pháp. Qua đấy, cơ sở cách mạng tập hợp lực lượng giáo chức vốn có cảm tình với cách mạng để giáo dục, tổ chức móc nối thành cơ sở của ta, hoạt động bí mật hoặc bán công khai, góp phần đấu tranh chống nền giáo dục vong bản, ngoại lai của Mỹ ngụy.
Năm 1959, trong lúc nhân dân miền Nam đang rất căm phẩn về luật 10/59 của chính quyền Sài Gòn thì Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, chỉ rõ “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân…. Con đường đó là dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang …”.
Nghị quyết 15 như luồng gió mạnh thổi bùng ngọn lửa đấu tranh lâu nay âm ỉ. Tháng 2/1961, Ủy ban lâm thời Mặt trận dân tộc giải phóng Bình Định ra đời. Phong trào diệt ác phá kèm đựơc phát động trong toàn tỉnh. Cuối năm 1962, các đô thị miền Nam nổ ra phong trào phật giáo chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Ở Quy Nhơn, Bồng Sơn, Tam Quan hằng ngàn học sinh xuống đường chống đàn áp Phật giáo - Ngày 11-6-1963 Diệm - Nhu bị lật đổ. Ngụy quyền ở thôn xã rệu rã. Năm 1964, 1965 cả vùng đồng bằng Bình Định nổi dậy diệt ác phá kèm giành chính quyền làm chủ, khí thế rất hồ hỡi.
Tính đến tháng 6-1965, nông thôn đồng bằng Bình Định căn bản được giải phóng với 564.500 dân, trong đó có 51.255 học sinh cấp 1, 2 (5) đạt tỷ lệ 9% dân số, gấp 1,5 lần số học sinh cấp 1, 2 vùng tự do Bình Định 12 năm trước. Đây là giai đoạn giáo dục cách mạng phát triển mạnh mẽ nhất, rộng khắp nhất, đặt nền tảng để duy trì, phát triển ngành trong những giai đoạn gay go, phức tạp về sau.
Phong trào đồng khởi đã đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Năm 1965 Đế quốc Mỹ vội vàng đổ quân vào Miền Nam Việt Nam, gây ra cuộc chiến tranh cục bộ tàn khốc nhằm đánh chiếm và bình định trở lại Miền Nam Việt Nam. Tại Bình Định, những năm 1966, 1967 Sư đoàn không vận số 1 Mỹ, Sư đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên đã càn quét, đánh phá rất ác liệt. Một bộ phận nhân dân ở phía Nam tỉnh đã bỏ làng chạy vào vùng địch để tránh bom đạn. Lãnh đạo tỉnh chủ trương quyết tâm giữ dân, bám đất. Ngành giáo dục nêu khẩu hiệu: “Dân bám đất, giáo dục bám dân, giáo viên bám trường” “Địch càn ta nghỉ, địch rút ta dạy”. Có nơi trường phải tạm đóng cửa, thầy trò tham gia du kích bám đất, giữ làng. Trường cấp 3 Hoài Nhơn mới học được một học kỳ phải ngừng hoạt động, học sinh thoát ly tham gia kháng chiến. Trường Sư phạm sơ cấp Hoài Nhơn bị địch tập kích, 1 số giáo viên, giáo sinh bị địch bắt. Trong cuộc đấu tranh gian khổ ấy nhiều thầy giáo học sinh đã hy sinh.
Sau cuộc Tổng tấn công tết Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ buộc phải “Việt Nam hóa chiến tranh” tăng cường trang bị quân ngụy, dùng lực lượng quân Ngụy tiếp tục đánh phá, càn quét, tiến hành “bình định đặc biệt” nông thôn Miền Nam nhằm thực hiện sự thống trị của Mỹ mà không có Mỹ.
Năm 1969 chiến tranh lại diễn ra hết sức ác liệt, địch lấn chiếm, đóng đồn bót khắp xóm làng, lập bộ máy kìm kẹp. Việc tranh chấp giành dân giữa ta và địch diễn ra rất quyết liệt. Nông thôn Bình Định ở vào trạng thái “da báo”: dọc theo quốc lộ 1 là vùng kẹp chặt, nơi còn cán bộ cơ sở là vùng lỏng kẹp, có vùng tranh chấp, có vùng làm chủ, lại có vùng lõm làm chủ, có vùng giải phóng. Trong tình hình đó việc tổ chức trường lớp cũng hết sức linh hoạt, không nơi nào giống nơi nào. Tỉnh chủ trương mở các lớp hợp pháp “xanh vỏ đỏ lòng”, trường lớp, thầy giáo là của địch, nhưng nội dung giảng dạy lại do cách mạng chi phối.
Tháng 5/1959 học sinh các trường Trung học ở Quy Nhơn bãi khóa đòi dân sinh dân chủ, đòi chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hoà bình. Ngày 7/12/1970. Xảy ra vụ lính Mỹ bắn chết học sinh lớp 6 Nguyễn Văn Minh. Lập tức 60.000 lượt người (hơn 1/4 dân thị xã Quy Nhơn bấy giờ) xuống đường biểu tình phản đối liền trong 4 ngày, học sinh các trường ở Quy Nhơn tham gia rất đông.
Ngày 19/4/1972 Huyện Hoài Ân hoàn toàn giải phóng liền đó 7 xã phía Bắc Phù Mỹ giành được chính quyền để tháng 5/1972, huyện Hoài Nhơn sạch bóng quân thù tạo nên vùng giải phóng liên hoàn Bắc Bình Định. Vùng giải phóng mở rộng đến đâu thì trường lớp mọc lên ngay đến đó. Trường Sư phạm sơ cấp của tỉnh được phục hồi. Các lớp sư phạm cấp tốc mở ra ở nhiều nơi. Các trường BTVH, trường phổ thông nội trú được mở rộng chuẩn bị lực lượng phục vụ vùng giải phóng trong tình hình mới.
Đầu năm 1973 Hiệp định Paris được ký kết nhưng Mỹ - Thiệu vẫn ngoan cố tăng cường càn quét lấn chiếm. Tháng 3/1975 với tinh thần “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” quân dân Miền Nam thần tốc xông lên. Năm học 1974 - 1975 chưa kết thúc thì 31/3/1975 Bình Định hoàn toàn giải phóng đã mở ra một thời kỳ mới cho ngành giáo dục./.
Nguồn: websites Sở GD&ĐT Bình Định
Qui Nhơn Những Ngôi Trường Ngày Cũ
GS Đào Đức Chương
Bài đăng trên: http://trinhvuongqn.wordpress.com
Tỉnh Bình Định trong quá khứ đã đổi tên nhiều lần, bắt đầu từ năm 1471, Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 2, đặt phủ Hoài Nhơn. Năm 1602, đời Lê Kính Tông, niên hiệu Hoằng Định thứ 2; chúa Nguyễn Hoàng đổi là phủ Qui Nhơn (Đại Nam Nhất Thống Chí ghi năm1604). Năm 1651, đời Lê Thần Tông, niên hiệu Khánh Đức thứ 3; chúa Nguyễn Phúc Tần cải danh là phủ Qui Ninh. Năm 1742, đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 3; chúa Nguyễn Phúc Khoát lấy lại tên cũ là phủ Qui Nhơn. Năm 1799, đời Nguyễn Quang Toản, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7; Nguyễn Phúc Ánh cải đổi thành Bình Định, năm 1801 gọi là dinh Bình Định. Năm 1808, Nguyễn Thế Tổ, niên hiệu Gia Long thứ 7, đặt là trấn Bình Định. Và từ năm 1832, Nguyễn Thánh Tổ, niên hiệu Minh Mạng thứ 13, đổi ra tỉnh Bình Định cho đến ngày nay.
Theo bản đồ địa chánh và tài liệu thống kê [1] tính đến tháng 12 năm 1970, diện tích toàn tỉnh Bình Định là 9.024 km², với dân số 732.212 người, được phân bố như sau:
1/ Thị xã Qui Nhơn rộng 94,9 km², có 177.519 người.
2/ Quận Tuy Phước (tính cả nha Vân Canh) rộng 1.206 km², có 144.781 người, gồm các xã: Phước An, Phước Châu, Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Long, Phước Lộc, Phước Lý, Phước Nghĩa, Phước Quang, Phước Sơn, Phước Thành, Phước Thạnh, Phước Thắng, Phước Thuận, Canh Giao, Canh Hà, Canh Hưng, Canh Lãnh, Canh Lồ, Canh Phong, Canh Sơn, Canh Thành, Canh Thịnh, Canh Thông. Tổng cộng 24 xã, trong đó có 14 xã được kiểm kê dân số.
3/ Quận An Nhơn rộng 259,3 km², có 117.628 người, gồm các xã: Đập Đá, Nhơn An, Nhơn Hạnh, Nhơn Hậu, Nhơn Hòa, Nhơn Hưng, Nhơn Khánh, Nhơn Lộc, Nhơn Mỹ, Nhơn Phong, Nhơn Phúc, Nhơn Thành, Nhơn Thọ, Phước Hưng (nguyên thuộc quận Tuy Phước). Tổng cộng 14 xã, trong đó có 13 xã được kiểm kê dân số.
4/ Quận Phù Cát rộng 599,5 km², có 92.921 người, gồm các xã Cát Chánh, Cát Hanh, Cát Hiệp, Cát Khánh, Cát Minh, Cát Nhơn, Cát Sơn, Cát Tài, Cát Thắng, Cát Trinh, Cát Tường. Tổng cộng 11 xã, trong đó có 9 xã được kiểm kê dân số.
5/ Quận Phù Mỹ rộng 550,5 km², có 91.709 người, gồm 15 xã: Mỹ An, Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Đức, Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Phong, Mỹ Quang, Mỹ Tài, Mỹ Thành, Mỹ Thắng, Mỹ Thọ, Mỹ Trinh. Tổng cộng 15 xã và đều được kiểm kê dân số.
6/ Quận Bình Khê (tính cả nhaVĩnh Thạnh) rộng 1.334,9 km², có 73.770 người, gồm các xã Bình An, Bình Giang, Bình Hòa, Bình Nghi, Bình Phú, Bình Tân, Bình Thành, Bình Thuận, Bình Tường, Phụng Thiện, Vĩnh Châu, Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hưng, Vĩnh Kim, Vĩnh Lâm, Vĩnh Nghĩa, Vĩnh Quang, Vĩnh Tường. Tổng cộng 20 xã, trong đó có 11 xã được kiểm kê dân số.
7/ Quận Hoài Nhơn (tính cả nha An Lão) rộng 872,7 km², có 93.890 người, gồm thị trấn Bồng Sơn và các xã: Hoài Đức, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Hoài Tân, Hoài Xuân, An Bình, An Bửu, An Cư, An Dân, An Đồng, An Hảo, An Hậu, An Hòa, An Lạc, An Mỹ, An Ninh, An Nghĩa, An Phú, An Quý, An Sơn, An Tân, An Thạch, An Toàn, An Thành, An Tường. Tổng cộng 26 xã, trong đó 7 xã được kiểm kê dân số.
8/ Quận Hoài Ân rộng 648,2 km², có 32.794 người, gồm các xã Ân Đức, Ân Hữu, Ân Nghĩa, Ân Phong, Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Tường, Vĩnh Danh, Vĩnh Điền, Vĩnh Định, Vĩnh Hoàng, Vĩnh Hữu, Vĩnh Ngãi, Vĩnh Nhàn, Vĩnh Nhơn. Tổng cộng 15 xã, trong đó có 5 xã được kiểm kê dân số.
9/ Quận An Túc rộng 3.332,3 km², có 35.515 người, gồm các xã An Định, An Khê, An Sơn, Bà Ba, Bà La, Bà Nâm, Cà Chang, Cửu An, Cửu Tú, Kan Nack, Sa Lam, Khói, Klom, Krong Kroi, Krong Kotu, Kon Nghe, Lúc Cúc, Sro, Srơn, Song An, Song Tân, Ta Mộc, Tài, Tân Cư, Tân Tạo An Dân, Thang, Trung Nhang, Tư Lương, Xu. Tổng cộng 29 xã, trong đó có 7 xã được kiểm kê dân số.
10/ Nha Tam Quan rộng 220,6 km², có 73.747 người, gồm các xã Đức Hựu, Hoài Châu, Hoài Hảo, Hoài Sơn, Hoài Thanh, Tam Quan. Tổng cộng 6 xã và đều được kiểm kê dân số.
Vậy tỉnh Bình Định trước năm 1975 có 1 thị xã, 8 quận và 4 nha, gồm 160 xã trong đó có 87 xã (chiếm tỷ lệ 54,37%) được kiểm kê dân số và có đến 73 xã (chiếm tỷ lệ 45,62%) vì mất an ninh không tiến hành kiểm kê dân số được. Mặc dù có đến gần nửa số xã trong tỉnh bị ảnh hưởng chiến tranh không mở được trường học, thế nhưng với tinh thần hiếu học của tỉnh nhà, tính đến niên khóa 1974- 1975, Bình Định có 49 trường trung học (không kể trường tiểu học), và phân phối như sau:
THỊ XÃ QUI NHƠN: 20 TRƯỜNG
01 – Trường Sư Phạm Qui Nhơn:
Trường Cao đẳng công lập được thành lập bởi Quyết định số 701- GD/PC/NĐ ký ngày 10- 5- 1962 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa. Trường Sư phạm được xây cất trên thửa đất rộng ở Khu Sáu, mặt tiền ngó ra biển và giáp đường Nguyễn Huệ. Theo Trần Đình Thái, Ai Có Về Qui Nhơn [2], đồ án với kinh phí 20 triệu, xây cất trong 18 tháng mới xong và khánh thành ngày 3 tháng 10 năm 1962. Cơ sở gồm hai dãy lầu với đầy đủ phòng học, giảng đường, thư viện, phòng âm nhạc, câu lạc bộ, trung tâm y tế và chỗ ở cho một số viên chức nhà trường.
Tháng 12 năm 1967, trường xây cất thêm khu nội trú với kinh phí 737.761 Mỹ Kim và 11.320.754 đồng Việt Nam, gồm hai dãy lầu 3 tầng, một cho nam giáo sinh và một cho nữ giáo sinh, cách biệt nhau. Niên khóa 1969- 1970, khu nội trú này có 392 nam và 312 nữ. Mỗi khu nội trú có 1 văn phòng, 1 phòng tiếp khách rộng rãi, 1 phòng phát thuốc, 1 nhà giặt, 1 nhà ủi quần áo, 7 khu nhà tắm và vệ sinh, 6 đơn vị cư trú cho Quản đốc và Giám thị, khu công viên và sân chơi cho giáo sinh.
Ban đầu, trường thu nhận giáo sinh các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Phan Thiết. Từ niên khóa 1972- 1973 trường chỉ thu nhận giáo sinh 5 tỉnh gồm Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn. Và niên khóa này, trường có khoảng gần 1000 giáo sinh, tính cả học viên năm thứ nhất với năm thứ hai.
Hình 1. Trường Sư Phạm Qui Nhơn – Ảnh tài liệu của Tạ Chí Thân, chụp năm 2004
Trường Sư Phạm Qui Nhơn năm 1962 (LXC sưu tầm)
Khóa học trong hai năm, tốt nghiệp với ngạch Giáo Học Bổ Túc. Chương trình giáo khoa năm thứ nhất gồm các môn chuyên nghiệp như: Sư phạm lý thuyết, Sư phạm chuyên biệt, Giáo dục cộng đồng, Tâm lý giáo dục, Luân lý chức nghiệp, Giáo dục y tế (Y tế học đường), Hoạt động thanh niên, Dụng cụ giáo khoa, Canh nông, Thủ công, Thể dục và Âm nhạc. Ngoài ra, còn các môn nâng cao trình độ học vấn như: Quốc văn, Sinh ngữ, Toán học ứng dụng, Hội họa. Năm thứ hai, chương trình giáo khoa gồm các môn: Sư phạm thực hành, Quản trị và Thanh tra học đuờng, Giao tế xã hội, Kinh tế chính trị, Giáo dục cộng đồng, Các vấn đề giáo dục, Thể dục thể thao, Hoạt động thanh niên, Giáo dục phụ nữ (cho giáo sinh nữ), ngành mộc (cho nam giáo sinh). Ngoài ra cũng học môn Quốc văn, Sinh ngữ, Âm nhạc, Hội họa để trau dồi trình độ văn hóa.
Từ năm 1962 đến 1975, trường Sư Phạm Qui Nhơn trải qua ba đời Hiệu trưởng, đầu tiên là Đinh Thành Chương, kế nhiệm Nguyễn Trọng Lương và vị Hiệu trưởng sau cùng là Trần Văn Mẫn. Trường cũng có vị Giám học, đầu tiên là Trần Văn Mẫn (lên làm Hiệu trưởng), kế tiếp là Lê Minh Tâm, sau cùng là Võ Sum, với Phụ tá Giám học là Dương Quang Phùng cho đến tháng 3 năm 1975.
02 – Trường Sư Phạm Thực Hành:
Trường được xây cất tại Khu 6, với kinh phí 500.000 đồng, bắt đầu hoạt động từ niên khóa 1965- 1966, Lương Thế Kiệt làm Hiệu trưởng từ đầu đến năm 1975. Đây là trường tiểu học kiểu mẫu dành cho giáo sinh trường Sư Phạm thực tập. Niên khóa 1972- 1973 trường có 12 lớp với 480 học sinh. Như vậy, trường Sư Phạm Thực Hành vừa dạy học sinh tiểu học, vừa đào tạo giáo sinh. Ngoài ra, hằng năm trong ba tháng hè, trường này còn dùng để tu nghiệp giáo viên từ các nơi gửi về, và nghiệp vụ này cũng do trường Sư Phạm đảm trách.
Tóm lại, tuy trường thu nhận học sinh cấp 1 và giảng dạy chương trình tiểu học, nhưng mục đích chính là dành cho giáo sinh thực tập và luyện tay nghề. Vì vậy, cũng được coi là trường Cao đẳng, đào tạo thầy giáo ngạch Giáo Học Bổ Túc.
03 – Trung Học Cường Để:
Trường công lập được thành lập từ năm 1955, niên khóa 1955- 1956 Trung Học Cường Để có 401 học sinh với 8 lớp, gồm 3 Đệ thất, 2 Đệ lục, 2 Đệ ngũ và 1 Đệ tứ (từ niên khóa 1970 – 1971 gọi là lớp 6, 7, 8, 9). Cơ sở trường nằm trên nền cũ của trường Collège de Qui Nhơn ở đường Võ Tánh. Mới đầu trường chỉ có dãy nhà tôn gồm 3 phòng và bên kia sân chơi là dãy nhà tranh cũng 3 phòng nằm đối diện, nơi đây dùng làm lớp học và văn phòng. Niên khóa 1956 – 1957, trường cất thêm một dãy nhà trệt lợp ngói, gồm 5 phòng, thành mô hình chữ U đáy rộng và rời.
H 2: Trung Học Cường Để (trường mới), ảnh chụp dãy phòng học phía tây, cuối dãy là phòng Hiệu trưởng.
Niên khóa 1958- 1959, trường mở lớp Đệ tam [4] và dời dần các lớp về địa điểm mới, ở số 9 đường Cường Để. Và đến niên khóa 1964- 1965, trường cũ ở đường Võ Tánh được bàn giao cho trường Tiểu Học Nguyễn Huệ. Tại cơ sở mới, trường Trung Học Cường Để có trên 30 phòng học và 1 phòng thí nghiệm, có khu hành chánh dành cho Ban Giám đốc, Ban Giảng huấn, Ban Nhân viên văn phòng làm việc, và một Đại Thính đường chứa cả ngàn người, ở cuối sân trường, sát với hàng rào phi trường Qui Nhơn. Hội trường này do Sư đoàn Mãnh Hổ của Quân Đội Đại Hàn xây cất và biếu tặng cho trường vào năm 1965. Theo số liệu thống kê của Trần Đình Thái chép năm 1973, niên khóa 1972 – 1973 trường Cường Để có 3.227 học sinh. Cũng trong niên khóa này trường lập thư viện và GS Châu Văn Thuận giữ chức Quản thủ thư viện.
Tính đến năm 1975, Trung Học Cường Để hoạt động tròn 20 niên khóa, đây là trường Đệ Nhị cấp lớn nhất của tỉnh nhà, có 65 lớp, với chừng 3300 học sinh, và lớp 12 (lớp Đệ nhất cũ) mở đủ các ban A, B, C. Trường đã trải qua 6 đời Hiệu trưởng: Thái Vĩnh Thung (Quyền Hiệu trưởng, 1955), Đinh Thành Chương (1955- 1959), Tôn Thất Ngạc (1959- 1965) , Trương Ân (1965- 1971), Nguyễn Mộng Giác (1971- 1973), Nguyễn Phụ Chính (1973- 1975). Trường cũng có 4 đời Giám học: Nguyễn Đình Nhàn (1965 – 1968), Nguyễn Mộng Giác (1968 – 1971), Nguyễn Phụ Chính (1971 – 1973), Nguyễn Minh Đức (1973 – 1975). Và 3 đời Tổng Giám thị: Lương Thanh Danh (1959 – 1965), Võ Ái Ngự (1965 – 1968), Phạm Ngọc Bích (1968 – 1975).
Thành phần Ban Giám đốc sau cùng gồm: Nguyễn Phụ Chính, Hiệu trưởng; Nguyễn Minh Đức, Giám học; Võ Thăng (tiền nhiệm là Nguyễn Phúc), Phụ tá Giám học; Phạm Ngọc Bích, Tổng Giám thị; Nguyễn Hữu Vui (tiền nhiệm là Nguyễn Văn Sở), Phụ tá Tổng Giám thị.
04 – Nữ Trung Học Qui Nhơn:
Nguyên cơ sở này là Tư Thục Tân Bình, nằm trên đường Nguyễn Huệ, mặt tiền nhìn ra biển. Cuối năm 1963, trường này trở thành công lập, đổi tên là Nữ Trung Học Qui Nhơn, hợp thức hóa bằng Nghị định số 2214-GD/PC/NĐ ký ngày 4 tháng 12 năm 1964 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, và khai giảng niên khóa 1964 – 1965. Ban đầu, trường chỉ có các lớp Trung học Đệ Nhất cấp và được phát triển thành Đệ Nhị cấp. Niên khóa 1972 – 1973, trường sở phát triển tới 18 phòng học, với số sĩ số là 2.559 người, trong đó có 1.892 nữ sinh Đệ Nhất cấp và 667 nữ sinh Đệ Nhị cấp [5]. Cũng trong niên khóa này, trường mở lớp 10 ban C [6], nên không còn chuyển học sinh ban này vào học trường Cường Để nữa.
Nữ Trung Học Qui Nhơn là trường Công lập Đệ Nhị cấp có lớp 12 và trải qua ba vị Hiệu trưởng: đầu tiên Trần Thị Gia, rồi đến Vương Thúy Nga, sau là Lê Thị Cúc với thành phần Ban Giám đốc gồm: Giám học Tôn Nữ Thanh Tùng, Phụ tá Giám học Nguyễn Túc, Tổng Giám thị Nguyễn Thị Cam Vũ, Phụ tá Tổng Giám thị (không rõ). Đây là trường Nữ Trung Học Đồng Khánh (Huế) của Bình Định. Tính đến năm 1975, trường này lớn hàng thứ ba trong tỉnh, sau Trung Học Cường Để Qui Nhơn (65 lớp) và Trung Học Đào Duy Từ An Nhơn, Bình Định (56 lớp).
H 3: Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn
Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn năm 1965 (LXC sưu tầm)
05 – Trung Học Kỹ Thuật:
Trường được thành lập bởi Nghị định số 954 – GD/PC/NĐ ký ngày 7 tháng 6 năm 1962 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, được khởi cất vào tháng 12 năm 1960 và khánh thành ngày 3 tháng 10 năm 1962. Trường có diện tích xây cất là 4630 m² [7] gồm: Khu Giảng dạy giáo khoa là dãy nhà lầu hai tầng, khu Thực tập là dãy nhà trệt dùng làm kho và cơ xưởng, khu phòng Thí nghiệm và Thư viện, khu Văn phòng, khu nhà ở cho nhân viên với hai biệt thự dành cho Hiệu trưởng và Cố vấn. Các khu nhà này được nối kết với nhau bằng những hành lang rộng. Và toàn bộ cơ sở tọa lạc trong khuôn viên rộng 5 ha² (mẫu tây) ở Khu Sáu, đường Nguyễn Huệ, mặt tiền nhìn ra biển.
H 4: Trường Trung Học Kỹ Thuật Qui Nhơn, khu cơ xưởng.
Niên khóa 1966 – 1967 được Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho phép nâng lên thành trường Đệ Nhị cấp và hợp thức hóa bằng Nghị định số 1673- GD/PC/NĐ ngày 22 – 7- 1967. Những niên khóa đầu, trường Kỹ Thuật mở thi tuyển học sinh vào lớp Đệ thất. Về sau, trường nhận thấy hai lớp Đệ thất và Đệ lục, tuổi các em còn nhỏ, không thể thực tập ở các xưởng máy, nên chỉ thi tuyển học sinh lớp Đệ ngũ. Chương trình dạy 2 năm (lớp Đệ ngũ và Đệ tứ) cho bậc Đệ Nhất cấp và 3 năm (lớp Đệ tam, Đệ nhị, Đệ nhất) cho bậc Đệ Nhị cấp, nhằm đào tạo học sinh tốt nghiệp Tú tài Kỹ thuật, chuẩn bị vào Đại học Kỹ Thuật Phú Thọ. Trường còn mở chương trình Kỹ thuật Chuyên nghiệp, cũng học trong 5 năm, đào tạo chuyên viên. Ngoài các môn học chính về Kỹ thuật và Khoa học toán, trường còn dạy một số môn về Văn hóa.
Các đời hiệu trưởng, từ năm 1962 – 1964, Hiệu trưởng Khúc Xuân Mai, Tổng Giám thị là Bùi Thường.
Từ năm 1964 – 1966, Hiệu trưởng Nguyễn Thụy Ái, Giám học Vũ ngọc Hoán, Tổng Giám thị Bùi Thường.
Từ tháng 6 năm 1966 đến tháng 4 năm 1970, Hiệu trưởng Vũ Hữu Nho, Giám học Trần Hưng Bá, Phụ tá Giám học Vũ Ngọc Hoán, Tổng Giám thị Bùi Thường. Tổng Giám xưởng Lê Công Bôn coi tổng quát khu nhà kho và xưởng máy. Mỗi xưởng có một giáo sư phụ trách, gồm: Xưởng ô tô Nguyễn Oanh, Xưởng điện Tôn Thất Xứng, Xưởng kỹ nghệ sắt Nguyễn Cao Anh, Xưởng mộc (không nhớ), Xưởng máy dụng cụ (tiện) Huỳnh Thanh Nung.
Năm 1970 – 1975, Hiệu trưởng Nguyễn Bích, thành phần Ban Giám đốc vẫn như cũ, ngoại trừ chức Tổng Giám thị là Võ Đen thay cho Bùi Thường.
H 5: Lớp Đệ Lục C, trong giờ Quốc văn do chúng tôi phụ trách, một học sinh chuyển đi xa, chào từ biệt Thầy và các bạn (năm 1963).
06 – Trung Tiểu Học Bồ Đề Qui Nhơn:
Trung Tiểu Học Bồ Đề Qui Nhơn là trường của Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Bình Định, được thành lập năm 1957 có 6 phòng học, nằm bên hông chùa Long Khánh (trụ sở Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Định). Nhu cầu học sinh càng ngày càng đông, năm 1968, trường dời ra khu Văn Hóa Xã Hội tại góc đường Ngô Quyền và Tăng Bạt Hổ, đối diện chùa Long Khánh. Cơ sở mới là dãy lầu ba tầng có 34 phòng học, mở từ lớp 1 đến lớp 12, với sĩ số 2060 học sinh trung học, 560 học sinh tiểu học.
Nếu chỉ tính riêng các trường tư trong tỉnh nhà, đây là trường Trung học tư thục Đệ Nhị cấp lớn nhất của Bình Định. Vị Hiệu trưởng cuối cùng là Bùi Văn Thân, Giám học Nguyễn Dần [8], Tổng Giám thị (không rõ).
H 6: Trường Trung Tiểu Học Bồ Đề Qui Nhơn
07 – Trung Học Vi Nhân:
Trường Trung học tư thục Đệ Nhị cấp của Công Giáo. Nguyên năm 1963, các Sư huynh dòng La San thuê Chủng Viện địa phận Qui Nhơn để mở trường Trung Học La San. Đến năm 1972 mãn hợp đồng thuê mướn, trường này dời vào Nha Trang.
Trước tình trạng học sinh La San ở Qui Nhơn bỗng dưng không có chỗ học hành, Đức Giám mục Qui Nhơn đã giao cho Linh mục Giám đốc Giáo dục Công Giáo thành lập Trung Học Vi Nhân, ngay trên cơ sở mà La San đã mãn hợp đồng thuê mướn của Chủng Viện. Trường khai giảng niên học 1972 – 1973 vào ngày 15 tháng 8 năm 1972, thu nhận 1.700 học sinh nam nữ từ lớp Sáu đến lớp Mười một, chia thành 23 lớp. Trường được điều hành bởi Linh mục Huỳnh Kim Lăng làm Hiệu trưởng và một số Linh mục, tu sĩ của địa phận Qui Nhơn phụ tá, với một Ban Giảng huấn có trên 50 giáo sư [9].
Khuôn viên của trường Trung Học Vi Nhân rộng 4 ha² (mẫu tây), cơ sở gồm khu nhà lầu ba tầng có một dãy dài 30 mét, dãy kia dài 27 mét 50, khu nhà trệt với 4 phòng và một nhà chơi. Ngoài ra, còn có một sân bóng tròn, hai sân bóng rổ và 4 sân bóng chuyền.
H 7: Trường Trung Học Vi Nhân
08 – Trung Tiểu Học Nghĩa Thục Tự Lực Qui Nhơn:
Trường tư thục Đệ Nhất cấp do ông Võ Trấp sáng lập và góp nhiều công sức, Hiệu trưởng là Mang Tấn Sĩ.
Cơ sở của trường nằm trong khuôn viên của Trung Tâm Huấn Luyện Nhân Dân Tự Vệ ở Gành Ráng. Niên khóa đầu, 1970 – 1971, trường mở 6 lớp ở bậc tiểu học, từ Mẫu giáo đến lớp Năm và có sắm hai xe đưa rước học sinh miễn phí. Từ niên khóa 1972 – 1973 mở thêm lớp 6, và phát triển thành trường Trung học Đệ Nhất cấp.
Đây là trường nghĩa thục đầu tiên của tỉnh Bình Định, con em của những gia đình tử sĩ, cô nhi quả phụ, hoặc Nhân dân tự vệ nghèo vào học được miễn phí hoàn toàn. Đối với học sinh gia đình khá giả, cũng chỉ thu 1/3 học phí, để thù lao cho 6 giáo viên.
09 – Trung Tiểu Học Trinh Vương:
Trường tư thục Đệ Nhị cấp của Công Giáo, Hiệu trưởng là Soeur Lê Thị Phi Hường. Đây là trường nữ trung học thứ hai của tỉnh nhà.
Trường được thành lập vào năm 1958, bởi Đức Cha Phê- rô Phạm Ngọc Chi, lúc ấy là Giám mục địa phận Qui Nhơn, và giao cho các Nữ tu dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn điều hành.
Cơ sở của trường là những dãy lầu ba tầng được xây cất năm 1957 đến 1958. Ngoài các phòng học còn có khu Kỹ thuật, khu Ký nhi viện, Ký lưu trú và khu Vườn trẻ. Khuôn viên trường rộng gần 2 mẫu tây, chung quanh có tường cao, nằm ở góc đường Gia Long và Hàn Thuyên.
Theo Trần Đình Thái [10], niên khóa 1958 – 1959 trường có 4 lớp tiểu học và 4 lớp trung học, với gần 400 học sinh. Niên khóa 1972 – 1973, trường phát triển đến 33 lớp tiểu học và 20 lớp trung học, trở thành Đệ Nhị cấp, và ở bậc trung học từ lớp 6 đến lớp 12 trường chỉ thu nhận nữ sinh.
H 8: Trường Trung Tiểu Học Trinh Vương
10 – Trung Học Tây Sơn:
Trường tư thục Đệ Nhị cấp, Hiệu trưởng Trương Vĩnh Nghi (công chức hồi hưu), Giám học Nguyễn Thị Phong, Tổng Giám thị … Long (không nhớ họ), thư ký trưởng Nguyễn Ngọc Liên, thư ký Nguyễn Thị Giăng (hai người sau đều có cổ phần).
Trường thành lập khoảng năm 1965, vốn đầu tư gồm 20 cổ phần, ông Nguyễn Châu là sáng lập viên, bỏ vốn nhiều nhất với 5 cổ phần, được bầu làm Giám đốc điều hành, còn 15 cổ phần chia đều cho bà con và bạn bè.
Trường Tây Sơn tọa lạc trên đường Gia Long nối dài (nay là đường Trần Hưng Đạo), thuộc Khu 4 Qui Nhơn, gần kho xăng Ông Tề, mặt trước ngó ra núi Bà Hỏa, sau lưng là đầm Thị Nại. Cơ sở trường xây theo hình chữ T, gồm một dãy lầu hai tầng có 8 phòng học, một dãy nhà trệt có 2 lớp học, văn phòng nằm giữa ba sân chơi, và quanh rào là những hàng dừa xiêm rợp bóng.
Niên khóa 1965 – 1966, trường mở 2 lớp Sáu, năm sau tăng 3 lớp Sáu và 2 lớp Bảy. Niên khóa 1971- 1972 trường mở lớp 10, niên khóa 1973 – 1974 có lớp 12, và lúc bấy giờ Nguyễn Thị Phong làm Giám học. Niên khóa 1974 – 1975, trường phát triển 18 lớp.
H 9: Trường Trung Học Tây Sơn
11 – Trung Học Nhân Thảo:
Trường tư thục Đệ Nhị cấp, GS Đinh Thành Chương đứng tên làm Hiệu trưởng.
Trường Nhân Thảo hoạt động từ năm 1960, niên khóa đầu 1960 – 1961 dùng tạm cơ sở tại căn lầu ở góc đường Võ Tánh và Hai Bà Trưng. Niên khóa sau, trường dời về khu nhà số 2, đường Trần Cao Vân, và cũng chỉ mở các lớp Đệ Nhất cấp.
Niên khóa 1963 – 1964, trường được cấp giấy phép mở Đệ Nhị cấp, mang số 3337- GD/HV/4 ký ngày 13 tháng 8 năm 1963. Nhưng rồi trường bị đóng cửa các lớp Đệ Nhị cấp một thời gian [11], sau được phép hoạt động lại.
Niên khóa 1972 – 1973, trường phát triển đến 1000 học sinh, mở từ lớp Sáu đến lớp Mười hai có cả ban A và B.
H 10: Trường Trung Học Nhân Thảo
12 – Quang Trung Nghĩa Thục:
Trường tư thục Đệ Nhị cấp, Giám đốc sáng lập Lê Văn Ba, Hiệu trưởng Đặng Đức Thông, Giám học Nguyễn Thị Xuân Lan (kể từ niên khóa 1973 – 1974), Tổng Giám thị Nguyễn Cẩm Nhung, Thư ký văn phòng Nguyễn Văn Tại.
Năm 1972, Chủ tịch Tỉnh Thị Hội Giáo Giới Bình Định là GS Lê Văn Ba thương lượng với Thiếu tá Trưởng khu Gia Binh (tên là Bính, không nhớ rõ) đang điều hành trường Văn Hóa Quân Đội, xin dãy nhà 4 phòng học có sẵn bàn ghế và tiện nghi nằm trong trại Gia Binh ở Khu Sáu, để thành lập trường Quang Trung Nghĩa thục.
Niên khóa đầu, 1972 – 1973, Quang Trung Nghĩa Thục mở 2 lớp Sáu, 2 lớp Bảy, 1 lớp Tám và 1 lớp Chín, thu nhận 400 học sinh, học miễn phí. Ban giảng huấn phần lớn là hội viên của hội Giáo Giới Bình Định, ghi danh tình nguyện dạy không lương, gồm 45 vị trực tiếp dạy và 25 vị dự khuyết. Các môn dạy đầy đủ như một trường công lập vì có cả môn Hội họa và Nữ công gia chánh; đặc biệt trường còn dạy môn Dân tộc học và Võ thuật.
Năm sau, Tỉnh Thị Hội Giáo Giới vận động phụ huynh học sinh cùng Mạnh Thường Quân đóng góp xây thêm hai phòng học nữa, hội cũng nhờ Liên Đoàn 6 Công Binh của Đại tá Lưu Văn Dũng giúp nhân công và vật liệu. Hai phòng mới bằng gạch, lợp tôn, tiếp nối với dãy nhà cũ thành hình chữ U. Số học sinh tăng lên thành 8 lớp và có mở lớp 10. Niên khóa 1974 – 1975, trường có 11 lớp gồm: 3 lớp Sáu, 2 lớp Bảy, 2 lớp Tám, 2 lớp Chín, 1 lớp Mười và 1 lớp Mười một.
Quang Trung Nghĩa Thục là trường tư nhưng không thu học phí, cũng không có tài trợ của Bộ Giáo Dục nhưng vẫn sinh hoạt được là nhờ trường có thành lập ban bảo trợ hùng hậu, vị Chủ tịch là ông Ngô Khuôn (thân phụ của Trung tướng Ngô Du) nên hội hoạt động rất mạnh.
13 – Trung Học Viên Giác:
Nguyên là trường tư thục tiểu học trong khuôn viên chùa Viên Giác của thầy Huyền Ấn ở Khu 6. Bắt đầu niên khóa 1970 – 1971, trường mở 1 lớp 6, Hiệu trưởng là GS Hoàng Kim Long. Niên khóa 1971- 1972, trường phát triển với 2 lớp Sáu và 1 lớp Bảy. Niên khóa 1972 – 1973, có 5 lớp trung học gồm 1 lớp Tám, 2 lớp Bảy và 2 lớp Sáu. Niên khóa 1973- 1974 có lớp Chín, và cứ thế, số lớp tăng dần cho đến cuối tháng 3 năm 1975 thì chấm dứt.
14 – Trung Học VHQÐ Lê Lợi:
Ngoài trường Văn Hóa Quân Đội ở Sài Gòn đã hoạt động từ lâu, năm 1970, Cục Xã Hội thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị thành lập thêm 9 trường nữa trên toàn quốc Việt Nam Cộng Hòa, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em binh sĩ. Vì thế, trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội Lê Lợi Qui Nhơn ở Khu Sáu, gần Gềnh Ráng, phía sau trường Trung Học Kỹ Thuật, ra đời trong dịp này. Trường do Tiểu Đoàn 12 Công Vụ thuộc Bộ Chỉ Huy 2 Tiếp Vận tổ chức và điều hành. Hiệu trưởng đầu tiên là Chuẩn úy Nguyễn Mạnh Dạn, và do Cục Xã Hội Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị quản lý; nhưng việc giảng dạy hoàn toàn theo đúng với chương trình của Bộ Quốc Gia Giáo Dục ấn định.
Năm 1971, do nhu cầu cải tổ của quân lực, Tiểu Đoàn 12 Công Vụ giải thể. Trường Văn Hóa Quân Đội Lê Lợi được bàn giao cho Tiểu Khu Bình Định. Trường được cải danh là Trung Tiểu Học Quân Đội Lê Lợi, do Thiếu úy Văn Công Hạ làm Hiệu trưởng, quản nhiệm cả hai cơ sở Tiểu học và Trung học Đệ Nhất cấp.
Niên khóa 1972 – 1973, trường phát triển đến lớp Chín. Mùa hè năm 1973, Quân đội trao 4 lớp bậc trung học (1 Sáu, 1 Bảy, 1 Tám, 1 Chín) và một dãy nhà gồm 5 phòng cho Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Cơ sở này mang tên mới là trường Trung Học Lê Lợi.
Niên khóa 1973 – 1974, Ngô Đình Phùng được cử làm Hiệu trưởng của trường này, và phát triển thêm 1 lớp Sáu nữa. Giáo sư cơ hữu có Ngô Đình Phùng, Nguyễn Thanh, Nguyễn Tư… và nhiều Giáo sư các trường khác đến dạy giờ, ngoài ra có Đại úy Phan Ngô cộng tác với trường.
Niên khóa 1974 – 1975, trường có 2 lớp Sáu, 2 lớp Bảy, 1 lớp Tám và 1 lớp Chín nên phải xây thêm 2 phòng học lợp ngói, tiếp nối với 5 phòng cũ thành hình chữ L, giữa sân là trụ cờ cũng khánh thành một lượt với phòng ốc.
Đầu năm 1975, trường được Bộ Giáo Dục đổi danh xưng một lần nữa là Trung Học Lam Sơn, nhận được Quyết định chưa được bao lâu thì ngày 1 – 4- 1975 Qui Nhơn thất thủ và trường cũng bị xóa tên.
CHT/Tiếp Vận II Đại tá Phạm Thanh Nghị, TĐT/12 CVThiếu tá Nguyễn Ngọc Thủy, HT/VHQĐ Lê Lợi: Chuẩn Úy Nguyễn Mạnh Dạn
15 – Trung Học Đống Đa:
Tiền thân là trường Tiểu Học Phan Đình Phùng, Hiệu trưởng Nguyễn Tuấn Đức. Trường được Bộ Giáo Dục cho mở lớp 6 và cứ thế phát triển dần, Nguyễn Tuấn Đức vẫn làm Hiệu trưởng. Khi Nguyễn Tuấn Đức mất, Nguyễn An Phong lên thay, sau là Huỳnh Kim Phát.
16 – Trung Học Đặng Đức Siêu:
Trường tư thục Đệ Nhất cấp.
17 – Trung Học Phước Hậu:
Nguyên là Trường Tiểu Học Phước Hậu tọa lạc trên khoảnh đất rộng rãi, sát nách với Chợ Dinh, ngó ra Quốc lộ 1, tại ngã ba nối với xa lộ mới. Khoảng năm 1972, trường được nâng lên thành trường Công lập Đệ Nhất cấp, và Hiệu trưởng là Lê Đình Cự.
18 – Trung Tiểu Học Sùng Nhơn:
Trường tư thục Sùng Nhơn của người Hoa, dạy song ngữ, tiếng Tàu và Việt. Ban đầu chỉ mở dạy bậc tiểu học, sau phát triển thành trường Trung học Đệ Nhất cấp.
Nguyên là ngôi Đình của người Hoa Kiều, nằm trên đường Bạch Đằng, ngó ra đầm Thị Nại, xây dựng từ thới Pháp thuộc, thờ Thánh Quan Công. Cơ sở kiến trúc xưa, tường xây gạch, lợp ngói âm dương, mái cong, có nhiều hình điêu khắc và chạm trổ trên các cửa lớn và nhỏ.
Khi thành lập trường Sùng Nhơn, cơ sở này được tu bổ và sửa chữa thành những lớp học. Trường có khoảng mười phòng, xếp thành hai dãy song song, giữa là chánh điện thờ Quan Thánh, dùng làm phòng hiệu trưởng và văn phòng. Sân trường rộng, tráng xi măng, dùng trong các buổi chào cờ, tiếp đến là sân bóng rổ. Trước trường có hai cây bàng lớn, tàng cây che mát cả sân chơi, và những hàng phượng vĩ đỏ rực mùa hè. Cổng chính nằm trên đường Bạch Đằng. Trường còn hai cổng phụ, ở hai bên hông, trổ ra hai đường ngang song song và nối đường Gia Long với Bạch Đằng.
Vì trường song ngữ nên có hai nhóm thầy giáo: Ban tiếng Việt, dạy đúng theo chương trình của Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH. Về tiếng Hoa, dạy theo trình độ của các trường Tàu Chợ Lớn, được qui định bởi chương trình ở Đài Loan. Do đó, các học sinh phải theo học mỗi ngày 7 hay 8 giờ, suốt từ thứ hai đến thứ bảy.
H 11: Trường Trung Tiểu Học Sùng Nhơn
Khoảng năm 1960, Ban Hiệu trưởng, bên Hoa ngữ, có ông Vương Nhật Phi người gốc Đài Loan, không biết tiếng Việt. Bên Việt ngữ, có thầy Lâm Du Hòa đảm nhiệm chức Hiệu trưởng, vừa điều hành giấy tờ hành chánh. Thành phần Giáo sư khoảng 20 vị, gồm người địa phương và một số chuyển từ Chợ Lớn. Vì là trường tư và dạy song ngữ, phải thuê mướn giáo sư từ xa đến, giá thành cao, nên học phí rất đắt so với các trường tư thục Việt đương thời. Nhờ có nhiều Mạnh Thường Quân, con em người Hoa những gia đình nghèo được xét trợ cấp, nên có thể theo học.
19 – Trung Học Triều Thuận:
Trường tư thục Đệ Nhất cấp của người Hoa, chưa có lớp 9.
20 – Trung Học Tăng Bạt Hổ ở Qui Nhơn:
Năm 1955, Chính Quyền Quốc Gia tiếp thu tỉnh Bình Định. Ngay trong niên khóa đầu tiên 1955- 1956, Bộ Giáo Dục cấp tốc xây dựng trường ốc và mở tại tỉnh nhà hai trường Trung học Đệ Nhất cấp, đáp ứng nhu cầu số đông học sinh bị dở dang học hành trong nhiều năm vì chiến tranh. Bắc Bình Định có trường Tăng Bạt Hổ ở Bồng Sơn, phía Nam là trường Cường Để ở Qui Nhơn.
Song song với Trường Cường Để, trường Tăng Bạt Hổ cũng mở lớp Đệ tam vào niên khóa1958- 1959. Từ năm 1962, trường này có nghị định chuyển thành Trung học Đệ Nhị cấp, và đứng hàng thứ hai các trường trung học trong tỉnh.
Nhưng vào tháng 3 năm 1972, đồng bào ba quận Bắc Bình Định di tản chiến thuật, vào trại tiếp cư ở Phú Tài và Qui Nhơn, trường Tăng Bạt Hổ phải đóng cửa. Lúc ấy, ông Nguyễn Công Lượng (người địa phương) đang là Phó Quận trưởng Hoài Nhơn, vận động cho trường tái hoạt động ở Qui Nhơn, để số học sinh tản cư được tiếp tục học hành. Về mặt giấy tờ, nhà trường gửi văn thư xin Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho phép dời địa điểm. Mặt khác, Nguyễn Công Lượng vào Sài Gòn yết kiến ông Ngô Khắc Tĩnh, Bộ Trưởng Giáo Dục, xin được giấy phép tái hoạt động tại Trung Tâm Sinh Hoạt Giáo Giới (nguyên là Ký Túc Xá Học Sinh), số 18 đường Nguyễn Huệ ở Qui Nhơn (nay là Nhà khách 28 Nguyễn Huệ - LXC). Cơ sở này, nguyên của Tỉnh Thị Hội Giáo Giới Bình Định nhường lại, và nhờ có Liên Đoàn 6 Công Binh tình nguyện sửa chữa thành một trường học. Mọi việc tiến hành tốt đẹp, trường kịp khai giảng niên khóa 1972 – 1973, vào ngày 26 – 10- 1972 .
H 12: Trường Trung Học Tăng Bạt Hổ ở Qui Nhơn (hình Nhà khách 28 Nguyễn Huệ ngày nay – LXC)
Từ ngày trường Tăng Bạt Hổ dời vào Qui Nhơn, sĩ số chỉ còn hơn một nửa, số lớp cũng bớt lại, không còn giữ vị trí thứ hai các trường lớn của tỉnh. Tuy vậy, Ban Giáo sư vẫn nguyên vẹn nên việc giảng dạy rất tốt, và tồn tại 3 niên khóa, qua các đời Hiệu trưởng sau đây:
- Năm 1972, Lê Ninh Hậu, Xứ lý thường vụ Hiệu trưởng trong thời gian ngắn.
- Niên khóa 1972- 1973, Hiệu trưởng Lê Văn Minh, Tổng Giám thị Nguyễn Hữu Hồng.
- Năm 1973, Đào Văn A tạm thời Xử lý thường vụ.
- Từ 1973- 1975, Hiệu trưởng Hồ Sĩ Duy, Giám học Nguyễn Ngọc Trân, Phụ tá Giám học Nguyễn Cao Trợ, Tổng Giám thị Nguyễn Hữu Hồng, Phụ tá Tổng Giám thị Ngô Văn Lâu.
Qui Nhơn, lúc bấy giờ chưa mở rộng để nâng lên cấp thành phố mà đã có 19 trường trung học định cư vĩnh viễn và 1 trường tạm trú, đó là trường Trung Học Tăng Bạt Hổ di tản từ quận Hoài Nhơn và tái hoạt động tại Qui Nhơn. Trong 20 trường trung học ở Qui Nhơn, gồm có 2 trường Cao đẳng, 10 trường Đệ Nhị cấp và 8 trường Đệ Nhất cấp.
Trước tháng tư năm 1975, Qui Nhơn chỉ là một thị xã, mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng vẫn có đến 20 trường trung học đang hoạt động và trên đà phát triển. Hơn thế nữa, Qui Nhơn chuẩn bị mở trường Đại Học vào niên khóa 1977 – 1978. Bộ Giáo Dục dự định đề cử Giáo sư Lê Bảo Xuyến (phu nhân của GS Lê Văn, người quận Phù Mỹ), làm Viện trưởng. Niên khóa đầu, mở Văn Khoa rồi đến Luật khoa, Sư phạm và Khoa học. Đủ chứng tỏ dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, nền Quốc Gia Giáo Dục rất thịnh hành.
Đào Đức Chương
GHI CHÚ
[1] Nguyễn Đình Đầu, Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn – Bình Định, tập I (Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996), trang 131- 136.
[2] Trần Đình Thái, Ai Có Về Qui Nhơn (Sài Gòn, Tủ Sách Đẹp Quê Hương xb., 1973), trang 55- 57.
[3] Ảnh các trường trung học ở Qui Nhơn đăng trong bài này (trừ hình 5), do Hội Liên Trường cung cấp. Hội này, do một số cựu Giáo sư và cựu Học sinh thuộc các trường Trung Học ở Qui Nhơn thành lập, tại Thủ Đô Người Việt Tị Nạn: Little SaiGon, quận Cam.
[4] Từ niên khóa 1957- 1958, học sinh lớp Đệ tứ đủ điểm trung bình toàn niên, nhưng thi lấy bằng Trung học Đệ Nhất cấp không đỗ, vẫn được lên lớp Đệ tam. Và từ niên khóa 1967- 1968, Bộ Quốc Gia Giáo Dục quyết định bỏ thi Trung học Đệ Nhất cấp, nhưng vẫn còn duy trì thi Tú tài bán phần.
[5] Trần Đình Thái, sách đã dẫn, trang 59.
[6] Từ niên khóa 1970- 1971, Bộ Quốc Gia Giáo Dục cải tổ, đổi danh xưng các lớp. Bậc tiểu học, tên cũ là: lớp năm, tư, ba, nhì, nhất nay gọi là lớp 1, 2, 3, 4, 5. Bậc trung học đệ nhất cấp, tên cũ là: đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ; nay gọi là lớp 6, 7, 8, 9. Bậc trung học đệ nhị cấp, tên cũ là: đệ tam, đệ nhị, đệ nhất; nay gọi là lớp 10, 11, 12.
Cũng từ niên khóa này, bỏ kỳ thi Tú tài I (tức Tú tài bán phần), học sinh lớp 11 nếu cuối niên học đủ điểm trung bình, được lên lớp 12. Và cuối niên học lớp 12, thi lấy bằng Tú tài (tức Tú tài II, hayTú tài toàn phần cũ). Vậy suốt trong 12 năm, học sinh chỉ trải qua 2 kỳ khảo hạch: Thi vào lớp 6 để được học trường công lập, khỏi đóng học phí hàng tháng. Thi tốt nghiệp để lấy bằng Tú tài.
[7] Trần Đình Thái, sách đã dẫn, trang 58.
[8] Từ ngày GS Nguyễn Dần được Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho vào chính ngạch, trên giấy tờ không thể đứng tên làm Giám học cho một trường tư được nữa, nhưng thực tế vẫn còn đảm nhận chức năng này cho trường Trung Học Bồ Đề Qui Nhơn.
[9,10,11] Trần Đình Thái, sách đã dẫn, trang 60, 62, 59.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn – Bình Định, tập I; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996.
- TRẦN ĐÌNH THÁI; Ai Có Về Qui Nhơn; Sài Gòn, Tủ Sách Đẹp Quê Hương xuất bản, 1973.
- QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Đại Nam Nhất Thống Chí, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, tập 3 (tỉnh Bình Định); Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1971.
- PHỎNG VẤN QUA ĐIỆN THOẠI:
Ngày 14- 11- 2004, phỏng vấn các ông: Nguyễn Công Lượng, cựu Phó Quận trưởng Hoài Nhơn, hiện ở Huntington Beach, California (CA); Lê Văn Ba, cựu Chủ tịch Tỉnh Thị Hội Giáo Giới Bình Định, hiện ở Westminster CA ; Vũ Hữu Nho, cựu Hiệu trưởng Trung Học Kỹ Thuật Qui Nhơn, hiện ở Houston, Texas (TX); Võ Đen, cựu Tổng Giám thị Trung Học Kỹ Thuật, hiện ở Dorchester, Massachusetts (MA).
Ngày 19- 11- 2004, phỏng vấn ông Huỳnh Hữu Dụng, cựu Ty Trưởng Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên tỉnh Bình Định, hiện ở San Jose, California (CA).
Ngày 29- 11- 2004, phỏng vấn bà Nguyễn Thị Phong, cựu Giám học Trung Học Tây Sơn Qui Nhơn hiện ở San Jose, California (CA).
Ngày 15- 4- 2005, phỏng vấn ông Lê Đại Đồng, cựu Giáo sư kiêm Trưởng ban Thể thao trường Trung Học Cường Để, hiện ở Houston, Texas (TX).
Ngày 30- 6- 2007, phỏng vấn ông Trần Minh Lợi cựu Giáo sư trường Trung Học Viên Giác, hiện ở San Jose, California (CA).
Ngày 6 tháng 11 năm 2007, phỏng vấn ông Du Sơn Lãng Tử cựu học sinh Trung Học Sùng Nhơn, hiện ở San Rafael, California (CA).
Ngày 16- 5- 2009, phỏng vấn ông Ngô Đình Phùng, cựu Hiệu trưởng Trung Học Lê Lợi, hiện ở Augusta, Georgia (GA).
Ngày 22- 4- 2010, Email của Nguyễn Mạnh Dạn, nguyên Hiệu trưởng trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội Lê Lợi, hiện ở Houston, Texas (TX).
————————————————————————————————————
Các Trường Trung Học Tỉnh Bình Định (tính đến 1- 4- 1975). – Phần Hai [*]
Đào Đức Chương
Từ năm 1955, sĩ số càng ngày càng tăng, các trường công lập không đủ sức dung nạp. Đầu thập niên 1960, số học sinh thi vào đệ thất trường công lập, trúng tuyển khoảng 30%. Mặc dù Bộ Giáo Dục cố gắng phát triển hệ thống trung học công lập đến các quận, thị trấn và cả thị tứ; nhưng vẫn không bắt kịp với đà học sinh gia tăng. Đến đầu thập niên 1970, các trường công lập cũng chỉ thu nhận được 60% tổng số học sinh muốn vào lớp sáu [1]. Vì thế, những mô hình trường trại khác, cũng được thiết lập song hành với trung học công lập, hòng đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục.
Với tỉnh Bình Định, trước năm 1975, ngoài hệ thống Trung Học Công Lập, ở Qui Nhơn còn có các loại trường Trung Học Tư Thục, Trung Học Nghĩa Thục, Trung Học Văn Hóa Quân Đội phát triển mạnh. Và ở các quận, lại có mô hình Trung Học Bán Công [2], Trung Học Tỉnh Hạt [3], Trung Học Tư Thục, song hành với hệ thống Trung Học Công Lập.
Dù có nhiều loại trường cùng phát triển, nhưng các học hiệu cần theo đúng chương trình giảng dạy của Bộ Giáo Dục, nhằm ý hướng học sinh đều có chung một trình độ như trường công lập. Vì khi thi tốt nghiệp các cấp phổ thông, không phân biệt thí sinh của loại trường nào. Tất cả bài thi đều được Hội đồng Giám khảo rọc phách [4], chấm bài theo mẫu thang điểm chung.
Ngoại trừ trường Trung Học Tăng Bạt Hổ ở Bồng Sơn quận Hoài Nhơn thành lập năm 1955, các trường trung học ở các quận khác phải đến đầu thập niên 1960 mới hình thành.
QUẬN TUY PHƯỚC : 7 TRƯỜNG
01 – Trung Học Tuy Phước:
Nguyên khuôn viên trường là ruộng sâu được lấp đất cao thành vườn, nằm bên lề phía bắc Quốc lộ 1 (cũ), cách Quận Đường Tuy Phước chừng 200 mét về hướng Đông Nam.
Trung Học Tuy Phước là trường tỉnh hạt, xây dựng khoảng đầu năm 1968, ban đầu chỉ có 3 phòng, nằm dọc phía Tây khuôn viên trường, ngó xuống cầu Trường Úc, dùng làm lớp học và văn phòng, kinh phí do Tòa Tỉnh Bình Định đài thọ [5]. Trường khai giảng niên khóa 1968- 1969, mở 3 lớp Đệ thất.
Sau đó, Hội Phụ Huynh đảm nhận xây dãy lớp chính, lầu đúc, ở phía Bắc, nằm ngang trải dài, để lộ một sân rộng, ngó ra Quốc lộ 1; và lúc ấy, hai dãy phòng nối thành hình chữ L. Tiếp nữa, Hội đã xây xong nền móng xi măng cốt sắt cho dãy phòng phía Đông, đối diện và cách với 3 phòng xây đầu tiên bởi chiều dài sân trường.
Trung Học Tuy Phước có thể coi như trường Trung Học Tỉnh Hạt kiểu mẫu của Bình Định. Nhờ Hội Phụ Huynh vững mạnh và năng nổ, gồm các ông: Cao Hảo (Hội trưởng), Cao Xuân Nhàn (Hội phó), ông Bảng (quên họ, Thư ký), Mỹ Dung (Thủ quỹ), Bùi Tố (Ủy viên kiến thiết)…, đã khéo vận động phụ huynh học sinh đóng góp tiền bạc để xây cất phòng ốc kịp thời cho nhu cầu phát triển giáo dục tại địa phương. Tính đến cuối tháng 3- 1975, Trường đã xây dựng được 18 phòng học [6]. Nếu dãy phòng phía Đông hoàn tất, số phòng sẽ tăng lên rất nhiều và ngôi trường thành hình chữ U, đáy rộng, trông rất bề thế và hoành lệ.
Trong 7 niên khóa, từ 1968- 1975, song song với việc phát triển phòng ốc, Trường mở dần từ lớp 6 đến lớp 12.
Tính đến 1- 4- 1975, Trường có khoảng dưới 40 lớp, ước chừng 2000 học sinh [7]. Trong đó, 10 lớp Sáu, 3 lớp Mười Hai (1A + 1B + 1C). Đây là lớp 12 đầu tiên của Trường, chưa kịp thi lấy bằng Tú tài phổ thông, tức Tú tài toàn phần, nên không rõ tỷ số thí sinh trúng tuyển.
Trường có Ban Giám Đốc đầy đủ: Hiệu trưởng Dương Lễ, Giám học Nguyễn Văn Hiệu, Phụ tá Giám học Tạ Chương Ánh, Tổng Giám thị đầu tiên là Trương Trọng Toại (mất năm 1972), Đặng Văn Hạnh thay thế, Phụ tá Tổng Giám thị Ngô Thanh Nhượng; với một Ban Giáo Sư gồm 72 người [8].
02 – Trung Học Bồ Đề Nguyên Thiều:
Khoảng năm 1960, Trường được xây cất tại chân núi Tháp Thị Thiện (Bánh Ít) thuộc ấp Đại Lễ (Phước Hiệp), trên khu đất do ông Bùi Hàng, Chủ tịch xã Phước Hiệp, cung cấp cho Tu Viện Nguyên Thiều để thành lập trường. Vì thế, Trường được mang tên Trung Học Bồ Đề Nguyên Thiều. Khuôn viên trường, ở vào địa thế khoáng đãng và yên tĩnh, nằm sát cạnh chùa Nguyên Thiều, lưng dựa vào Núi Tháp triền dốc thoai thoải, mặt tiền quay về hướng đông, nhìn xuống cánh đồng bạt ngàn của xã Phước Hiệp.
Thế nhưng, khoảng cuối năm 1964, chiến sự lan tràn, tình hình xã Phước Hiệp trở nên mất an ninh, Trung Học Bồ Đề Nguyên Thiều phải dời về Vân Hội, cách bến xe Ngã Ba Diêu Trì chừng 200 mét về hướng tây nam. Khuôn viên trường mới không rộng lắm, mặt trước giáp đường Liên tỉnh lộ 6 (nay là Tỉnh lộ 638) đi Vân Canh, mặt sau giáp sông Hà Thanh. Cơ sở trường có 8 phòng học, gồm một dãy nhà do Sư Đoàn Mãnh Hổ của Đại Hàn xây dựng biếu tặng, một dãy nhà hình chữ L do trường xây cất, sân trường nằm giữa những dãy nhà.
Niên khóa 1967- 1968, trường Trung Học Tư Thục Bồ Đề Nguyên Thiều có 3 Thất, 3 Lục, 2 Ngũ, 1 Tứ và phát triển dần. Đầu thập niên 1970, mở các lớp Đệ Nhị cấp, có khoảng trên 12 lớp (không nhớ rõ), từ lớp Sáu đến lớp Mười hai [9], với chừng 800 học sinh. Hiệu trưởng là Trần Đình Phô, Giám học Trần Bùi Thao, Tổng Giám thị Võ Hy.
03 – Trung Học Diêu Trì:
Nhằm ý hướng của Bộ Quốc Gia Giáo Dục phát triển trường trung học không những ở quận lỵ, thị tứ, mà còn đến các xã đông dân. Vì thế, năm 1973, trường Trung Học Tỉnh Hạt Diêu Trì, xã Phước Long, ra đời. Cơ sở trường tọa lạc trên một khoảnh đất rộng, nguyên là ruộng sâu đuợc đổ đất nâng cao, mặt trước là hướng đông, ngó ra Quốc lộ 1 (đường mới), mặt sau giáp với địa phận ga Diêu Trì. Đầu tiên xây dựng 4 phòng đúc bê tông, tuy nhiên đang thi công, chưa sử dụng được.
Niên khóa 1973- 1974, Trung Học Tỉnh Hạt Diêu Trì mở 2 lớp Sáu, phải dạy tạm ở trường Tiểu Học Diêu Trì, nằm bên đường lên ga xe lửa và đối diện với chợ Cây Da. Thầy Lâm Phú vừa làm Hiệu trưởng trường Tiểu học, kiêm nhiệm chức Quản đốc các lớp trung học.
Niên khóa 1974- 1975 phát triển thành 5 lớp, gồm: lớp 6A, 6B, 6C, 7A, 7B; vẫn còn dạy tạm ở trường Tiểu Học Diêu Trì. Định niên khóa sau, các lớp trung học sẽ dời về trường mới, Lâm Phú vẫn làm Hiệu trưởng. Trường dự trù phát triển đến lớp 9 để trở thành trường Trung Học Tỉnh Hạt Đệ Nhất Cấp Diêu Trì. Tính đến ngày 20- 2- 1975, trường có 7 Giáo sư, gồm: 3 người chính ngạch, 1 tư nhân dạy giờ và 3 Giáo viên Tiểu học có Tú tài 2 dạy giờ phụ.
H 13: Trang cuối Sự Vụ lệnh dạy giờ phụ, niên khóa 1974- 1975,Trường Trung Học Tỉnh Hạt Diêu Trì.
04 – Trung Học Phú Tài:
Ngôi trường nằm bên đường Quốc lộ 1, tại thị trấn Phú Tài, xã Phước Thạnh; mặt tiền quay về hướng nam, ngó vô đèo Cù Mông. Khuôn viên trường, mặt hông phía đông giáp Quốc lộ 1, mặt hông phía tây ngó vào núi. Cũng như trường ở Diêu Trì, Trung Học Phú Tài ra đời trong thời kỳ Trung học Tỉnh hạt về tới thị tứ và các xã đông dân, nhưng vì thiếu thông tin, nên không rõ trường này thuộc dạng công lập bình thường hay tỉnh hạt. Chỉ được biết, tính đến niên khóa 1974- 1975, Trung Học Phú Tài chưa có lớp 9, thầy Đài (không nhớ họ) là vị Hiệu trưởng đầu tiên, cũng là cuối cùng của Trường, trong thời Việt Nam Cộng Hòa.
05 – Trung Học Bồ Đề Hương Quang:
Hệ thống Tư Thục Bồ Đề của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất có mặt hầu hết ở các nơi đông dân. Ngay tại quận Tuy Phước, có đến 2 trường Trung học, cách nhau không đầy 5 cây số, trường nào cũng đông đúc học sinh.
Trường Trung Học Bồ Đề Hương Quang tọa lạc trên lô đất nguyên là ruộng sâu được lấp cạn, nằm sát Quốc lộ 1 (cũ), cách trường Trung Học Tuy Phước chừng 200 mét về hướng đông nam, và gần cầu Trường Úc. Cơ sở trường là dãy nhà xây, dọc theo chiều sâu của lô đất, gian trước làm văn phòng, các gian kế tiếp dùng cho phòng học.
Đây là trường tư thục Đệ Nhất cấp, Hiệu trưởng là Mang Đức Hổ. Niên khóa 1974- 1975, Trường có 6 lớp [10], gồm 2 lớp Sáu, 2 lớp Bảy, 1 lớp Tám, 1 lớp Chín, với chừng 350 học sinh.
06 – Trung Học Nam Hòa:
Trường tọa lạc trên khoảnh đất của hảng dệt Xi- ta (cũ), sát chợ Trường Thuế, thuộc ấp Hữu Thành, xã Phước Hòa. Trung Học Nam Hòa thành lập năm 1959 là trường tư thục Đệ Nhất cấp, Hiệu trưởng Lê Tú Oanh. Niên khóa 1959- 1960, Trường có 2 lớp Đệ thất, 2 lớp Đệ lục, 1 lớp Đệ Ngũ. Niên khóa sau tăng 1 lớp Đệ ngũ, mở thêm 1 lớp Đệ tứ [11]. Trường hoạt động trong 6 niên khóa, đến năm 1965 thì chấm dứt vì chiến sự lan tràn, xã Phước Hòa mất an ninh.
07 – Trung Học Huỳnh Thị Lưu:
Trường tư Đệ Nhất cấp tại ấp Tùng Giản, gần chợ Gò Bồi xã Phước Hòa, khai giảng 1960, bế giảng 1965, cũng vì lý do an ninh. Mới đầu có 2 lớp Đệ thất, 2 lớp Đệ lục, 1 lớp Đệ ngũ, niên khóa sau có thêm lớp Đệ tứ.
QUẬN AN NHƠN : 7 TRƯỜNG
08 – Trung Học Đào Duy Từ:
Nguyên là trường Trung Học Công Lập An Nhơn, thành lập năm 1961, tại thị trấn Bình Định. Hiệu trưởng Trung Học Bán Công kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng Công Lập. Các lớp Công Lập mượn phòng học của Trường Bán Công, nhưng Ban Giảng huấn riêng. Đôi khi Trường Bán Công kẹt phòng, một số giờ Công Lập phải dạy tạm ở trụ sở Hiệp Hội Nông Dân, đối diện với Trung Học Bán Công.
- Niên khóa 1961- 1962, mở 1 lớp Đệ thất, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Độ.
- Niên khóa 1962- 1963, mở 3 lớp (2 Thất, 1 Lục), Hiệu trưởng Phạm Ngọc Bích.
- Niên khóa 1963- 1964, mở 5 lớp (2 Thất, 2 Lục, 1 Ngũ), Hiệu trưởng Trần Quốc Sủng.
- Niên khóa 1964- 1965, mở 7 lớp (2 Thất, 2 Lục, 2 Ngũ, 1 Tứ), Hiệu trưởng Lê Nhữ Tri. Một số lớp, học ở dãy nhà trong khu đất đối diện với Quận Đường, số còn lại vẫn dạy ở Trường Bán Công.
- Niên khóa 1965- 1966, mở 8 lớp (2 Thất, 2 Lục, 2 Ngũ, 2 Tứ). Từ niên khóa này, Trung Học Công Lập tách khỏi Trường Bán Công. Thầy Lê Nhữ Tri vẫn làm Hiệu trưởng Trường Công Lập, và Trung Học Bán Công có Hiệu trưởng khác.
Trường Công Lập dời về địa điểm mới là dãy nhà xây, lợp tôn (tôle) dùng làm 3 lớp học và 1 văn phòng. Khuôn viên trường rất rộng, vuông vức, gần Cửa Tây Thành Bình Định, nằm đối diện với Trường Tiểu Học và Sân Vận Động An Nhơn. Công việc đầu tiên, thầy trò phải dùng một buổi học chiều, làm công tác dọn dẹp, lấp các chỗ trũng và giếng lạn trong khuôn viên trường.
- Từ niên khóa 1966- 1967, Trường phát triển nhanh, số phòng không đủ, hai lớp Đệ tứ vẫn còn dạy ở Trường Bán Công. Sau đó, Bộ Giáo Dục cho xây hai phòng đúc, nằm sát phía Tây khuôn viên trường, đối diện với dãy phòng phía Đông qua một sân rộng thênh thang. Trong họa đồ xây cất, phía Tây cũng xây 4 phòng để cân xứng với phía Đông, nhưng góc Tây Bắc gặp nhà dân lấn chiếm chưa thương lượng được.
H 14: Lớp Đệ Tứ A, Trung Học Công Lập An Nhơn, tháng 3 năm 1967, trong giờ Quốc Văn của thầy Đào Đức Chương vừa là GS Hướng Dẫn.
- Niên khóa 1970- 1971, Trường có 17 lớp gồm: 6/ Sáu, 5/ Bảy, 3/ Tám, 3/ Chín. Bộ Giáo Dục cử thầy Đào Đức Chương giữ chức Tổng Giám Thị. Thầy Lê Nhữ Tri vẫn làm Hiệu trưởng. Lúc này, đang xây cất dãy phòng phía Nam, là dãy lớp chính, cũng bằng vật liệu nặng bê tông cốt sắt [12], viền ba mặt sân trường thành hình chữ U.
- Niên khóa 1971- 1972, Trường tăng 25 lớp vì mở đến 8 lớp Sáu và 3 lớp Mười, gồm: 8/6, 6/7, 5/8, 3/9, 3/10 (2A+ 1B).
Kỳ thi vào lớp 6, do điều kiện phòng ốc, Trường định mở 6 lớp Sáu như năm trước. Nhưng theo bảng kê điểm của thí sinh, phần lớn con em của binh sĩ Sư Đoàn 22 chỉ đỗ ở hạng dự khuyết, khó có cơ hội vào học. Ông Hiệu trưởng Trường Tiểu Học Quân Đội cam kết, nếu Trung Học Công Lập An Nhơn lấy thêm 2 lớp Sáu nữa để tất cả thí sinh đỗ dự khuyết của binh sĩ được vào trường công, họ sẽ lo việc đổ đất nâng cao sân trường.
Nhưng điều quan trọng, là phải có ngân sách cho việc mở thêm 2 lớp sáu. Ngay ngày hôm sau, nhà trường cử thầy Đào Đức Chương mang Công Vụ Lệnh, vào Nha Trung Học ở số 7 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm Sài Gòn, yết kiến ông Giám Đốc Đàm Xuân Thiều, trình bày sự việc, được sự chấp thuận của Nha Trung Học và cho xúc tiến xây tầng lầu dãy phòng phía nam.
Trường chính thức có thêm 2 lớp Sáu. Đoàn xe công binh của Sư Đoàn 22 nối nhau, đổ đất suốt mấy ngày liền, và dùng cơ giới san bằng phẳng. Từ đó, sân trường trở nên cao ráo, thầy trò thoát cảnh lội nước khi trời mưa lớn.
Cũng từ niên khóa này, Trung Học Công Lập An Nhơn được phép mở các lớp Đệ Nhị cấp, nên bắt đầu có Giám học và Bộ Giáo Dục cử thầy Hồ Sĩ Phùng giữ chức Giám học của trường.
- Niên khóa 1972- 1973, Trường tăng 33 lớp, trong đó có 6 lớp Đệ Nhị cấp. Hiệu trưởng Lê Nhữ Tri xin chuyển về Trung Học Cường Để Qui Nhơn. Ngày 2- 12- 1972, Bộ Giáo Dục ký Sự Vụ lệnh số 3720- GD/NV/2P/SVL, và hợp thức hóa tình trạng hành chánh bằng Nghị định cử thầy Hồ Sĩ Phùng làm Hiệu trưởng, thầy Đào Đức Chương giữ chức Giám học [13], thầy Đỗ Hơn lãnh chức Tổng Giám thị. Từ niên khóa này, Trường được Bộ Giáo Dục cho đổi tên thành Trung Học Công Lập Đệ Nhị Cấp Đào Duy Từ, thường gọi tắt là Trung Học Đào Duy Từ.
- Niên khóa 1973- 1974, Trường có 12/6, 8/7, 8/8, 6/9, 5/10 (2A+ 2B+ 1C), 3/11 (1A+2B), 3/12 (2A+1B). Với 45 lớp, trong đó 11 lớp Đệ Nhị cấp và đủ 3 ban ABC, Trường được Bộ Giáo Dục cung cấp một Ban Giám đốc đầy đủ (5 người), ngoài 3 người cũ, còn có thêm thầy Hồ Sĩ Nhơn giữ chức Phụ tá Giám học, và thầy Nguyễn Văn Nhung làm Phụ tá Tổng Giám thị. Trong niên khóa này, dãy nhà đúc phía bắc, hai bên cổng vào, tiến hành xây cất.
Theo Sự Vụ Lệnh số 3614/SHC/BD/NV/SVL ký ngày 24- 12- 1973 của Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh Bình Định- Qui Nhơn (hiện còn lưu giữ), niên khóa 1973- 1974 trường Trung Học Đào Duy Từ có 53 giáo sư dạy thêm giờ phụ. Như vậy, trên thực tế số giáo sư của Trường phải nhiều hơn gấp một lần rưỡi, vì nhiều vị đã có giờ ở trường tư, nên chỉ dạy đúng số giờ quy định (mỗi tuần 16 giờ cho Đệ Nhị cấp hay 18 giờ cho Đệ Nhất cấp), không nhận dạy giờ phụ.
- Niên khóa 1974- 1975, Trường phát triển 56 lớp: 14/6, 12/7, 8/8, 8/9, 6/10 (2A+ 3B+ 1C), 5/11 (2A+ 2B+ 1C), 3/12 (1A+ 2B). Dự trù niên khóa tới, Trường không mở lớp Sáu, như vậy, các lớp Đệ Nhất cấp (lớp 6, 7, 8, 9) sau 4 niên khóa sẽ không còn nữa. Thay vào đó, Trường phát triển nhanh các lớp Đệ Nhị cấp, nhất là mở thêm nhiều lớp Mười hai [14]. Tính đến niên khóa 1974- 1975, Trung Học Đào Duy Từ lớn hàng thứ hai toàn tỉnh (56 lớp), chỉ sau Trung Học Cường Để (65 lớp).
H 15: Một trong 5 dãy phòng của trường Trung Học Đào Duy Tư cũ, chụp sau năm 1975, ảnh từ thpt.annhon1-binhdinh.edj.vn
Tính đến 1975, trường có 5 dãy phòng, gồm 2 dãy lầu [15] và 2 dãy nhà trệt nằm dọc theo 4 cạnh khuôn viên trường, và 1 dãy nhà tôn (3 phòng) được Quân đội hiến tặng khoảng năm 1972, nằm phía sau và thẳng góc với dãy phòng phía Nam.
09 – Trung Học Bán Công An Nhơn:
Khoảng năm 1958, dân chúng toàn quận An Nhơn đóng góp xây dựng trường Trung Học Bán Công. Khởi công xây dựng vào đầu năm 1959, hoàn thành với kinh phí khoảng 1.300.000 đồng [16].
Tòa nhà được kiến trúc bằng vật liệu nặng, lầu 1 tầng, lợp ngói, gồm 8 phòng học, hai đầu đều có phòng vệ sinh, mỗi tầng có hành lang rộng nối các phòng. Trường quay mặt về hướng nam, nằm giữa khoảnh đất vuông vức, rộng độ 2000 m², sát cạnh phía Tây của Quận Đường An Nhơn. Và bắt đầu hoạt động từ niên khoá 1959- 1960, được hợp thức hóa do Nghị định số 1184- GD/ NV/ NĐ ký ngày 27- 7- 1960, bổ túc bởi giấy phép số 381- GD/ NV/ 5 ký ngày 21- 5- 1962 của Bộ Giáo Dục [17].
Nhằm giúp đỡ cho những người hiếu học nhưng không có cơ hội vào trường Công lập, Trung Học Bán Công thu nhận học sinh từ lớp Đệ thất đến Đệ nhị. Muốn nhập học phải nộp hồ sơ cá nhân (đơn xin, giấy khai sinh, học bạ hay chứng chỉ học trình) và đóng học phí vào mỗi đầu tháng. Tuy vậy, học phí có phần nhẹ hơn giá biểu ở trường tư. Đối với học sinh nghèo không nơi nương tựa, có chăm chỉ và hạnh kiểm tốt được cấp học bỗng, hoặc miễn học phí. Ngoài ra, tu sĩ các tôn giáo vào học cũng được miễn phí.
H 16: Thầy Đào Đức Chương và học sinh lớp Đệ Tứ A Trung Học Công Lập An Nhơn, tại sân trường Bán Công An Nhơn, ngày 22- 5- 1967.
Từ 1959 đến 1975, trong 16 niên khóa, Trường trải qua 10 đời Hiệu trưởng: Đầu tiên là thầy Bùi Văn Lăng, một nhà giáo lão thành, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội và trứ tác nhiều tác phẩm văn học có giá trị. Khi Thầy qua đời, từ đấy trường Trung Học Cường Để cử giáo sư lên kế nhiệm chức vụ này, lần lượt có các thầy: Dương Văn Lộc, Nguyễn Văn Độ (1961-1962), Phạm Ngọc Bích (1962-1963), Trần Quốc Sủng (1963-1964), Lê Nhữ Tri (1964-1965), Nguyễn Kim Ba (1965- 1967), Trần Thúc Bửu (1967- 1968), Trần Quốc Sủng (1968- 1973), Lê Văn Dung (1973- 1975). Các niên khóa từ năm 1961 đến 1965, các vị Hiệu trưởng Trung Học Bán Công kiêm nhiệm cả chức Hiệu trưởng Trung Học Công Lập An Nhơn. Từ niên khóa 1965- 1966, hai trường tách ra, Trung Học Cường Để cử thầy Nguyễn Kim Ba làm Hiệu trưởng Trường Bán Công, thầy Lê Nhữ Tri vẫn giữ Hiệu trưởng Trường Công Lập [18].
Thành phần Giáo sư Trung Học Bán Công An Nhơn là sự góp nhặt chọn lọc. Ban Giảng huấn của Trường, hầu hết là các vị giáo sư chính thức của các trường công lập trong tỉnh như Trung Học Cường Để (Qui Nhơn), Trung Học Đào Duy Từ (trước là Trung Học Công Lập An Nhơn), Trung Học Tăng Bạt Hổ (Bồng Sơn sau là Qui Nhơn), và Trung Học Quang Trung (Bình Khê); được mời đến dạy giờ.
Niên khóa 1969- 1970, trường có 13 lớp: 3 Đệ thất, 2 Đệ lục, 2 Đệ ngũ, 2 Đệ tứ, 2 Đệ tam và 2 Đệ nhị [19]. Từ niên khóa 1972- 1973, mở thêm lớp 12, vì bỏ thi Tú tài phần 1; học sinh lớp 11 cuối niên học đủ điểm trung bình đương nhiên lên lớp 12.
Cũng năm 1970, trường cất thêm khu nhà văn phòng, nằm phía Tây của sân trường, mặt ngó qua hông của Quận Đường. Ngôi nhà gồm ba gian: căn ngoài (phía nam và sát đường) là phòng học vụ, căn giữa làm phòng Giáo sư, căn trong (phía bắc) dành riêng cho Hiệu trưởng và Giám học. Sau năm 1970, trường có chức Giám học và thầy Nguyễn Mạo giữ chức vụ này cho đến năm 1975.
H 17: Trang bìa Đặc San thứ 2 của Trung Học Bán Công An Nhơn.
10 – Trung Học Giuse An Nhơn:
Từ cầu Tân An theo Quốc lộ 1 vào thị trấn Bình Định, qua bến xe hơi, gặp tiệm buôn Thắng Thuận và thấy rạp hát Thanh Châu là rẽ trái. Theo con đường đất rộng, qua Cửa Đông, bên tay mặt là hướng bắc có khu công sở, lần lượt gặp Chi Cảnh Sát, Chi Thông Tin (đối diện với Chi Y Tế ), Quận Đường, Trung Học Bán Công, trường Tiểu Học Quận (đối diện với Trung Học Đào Duy Từ), rồi đến sân Vận Động. Tiếp nữa, qua Cửa Tây, rẽ mặt, theo đường liên quận Phước Hòa – Nhơn Khánh – Bình Nghi, nhưng chỉ đi chừng non một cây số, gặp Trung Học Guise An Nhơn, là trường tư Đệ Nhị cấp. Hiệu trưởng là Sư huynh Clément, Giám học Éma. Cơ sở trường là những dãy nhà đúc thuộc khu nhà thờ Kim Châu, trước 1975 thuộc xã Nhơn Hưng.
H 18: Trường Trung Học Giuse An Nhơn. Ảnh của Trần Quang Kim, Cuongde.org
11 – Trung Học Phạm Đăng Hưng:
Trường Công lập Đệ Nhất cấp tại thôn Bàng Châu xã Đập Đá, thành lập năm 1969 với tên gọi trường Trung Học Đập Đá. Khoảng niên khóa 1972- 1973, Trường cải danh Trung Học Phạm Đăng Hưng. Cơ sở trường là dãy nhà 2 tầng, cất thành chữ L với 15 phòng, gồm 5 phòng cũ và 10 phòng mới. Ban đầu trường chỉ có Hiệu trưởng là Võ Bá Tôn, khi phát triển đủ số lớp quy định, trường có thêm Tổng Giám thị là Huỳnh Thưởng, sau nữa có cả Phụ tá Tổng Giám thị là Võ Bá Hà.
Niên khóa 1969- 1970, trường chỉ có 2 lớp Đệ thất. Niên khóa 1970- 1971, phát triển thành 4 lớp Sáu và 2 lớp Bảy. Niên khóa 1971- 1972, tăng lên 10 lớp. Niên khóa 1972- 1973, trường có 16 lớp, gồm: 6/6, 4/7, 4/8, 2/9. Niên khóa 1973- 1974, trường có 20 lớp. Và niên khóa 1974- 1975, trường tăng lên 22 lớp, thu nhận gần 1200 học sinh, gồm: 6/6, 6/7, 6/8, 4/9.
12 – Trung Học Bồ Đề An Nhơn:
Trường tư thục Đệ Nhất cấp tại cửa Đông thành Bình Định (cũ), tọa lạc trên mô đất cao, ngó xuống con đường rẽ từ Quốc Lộ 1 dẫn vào Quận Đường An Nhơn. Hiệu trưởng là Bùi Chí Đống.
33 – Trung Học Tư Thục Tân Phong ở Đập Đá:
Trường thành lập năm 1963, có 6 phòng xây, lợp ngói, tọa lạc trên khoảnh đất gần trường Tiểu Học Đập Đá. Ông Nguyễn Hữu Thời vừa là sáng lập trường Tân Phong, vừa là Hiệu trưởng. Niên khóa 1963- 1964 có 2 lớp Đệ thất, 1 lớp Đệ lục và 1 lớp Đệ ngũ. Niên khóa 1964- 1965, trường phát triển thành 7 lớp, gồm: 3 Thất, 2 Lục, 1 Ngũ, 1 Tứ. Năm 1965, chiến sự lan tràn, Trường giải tán để làm nơi tiếp cư cho đồng bào các xã ở vùng Đông Bắc quận An Nhơn như Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn An đổ về.
14 – Trung Học Bồ Đề Đập Đá:
Cơ sở trường là dãy nhà lợp ngói có 6 phòng học nằm trước sân vận động Đập Đá, gần Chi Hội Phật Giáo, tại thôn Phương Danh, do Thượng tọa Thích Đổng Quán sáng lập năm 1964 và mời thầy Trần Quang Khảo làm Hiệu trưởng.
Niên khóa đầu, 1964- 1965, trường Trung Học Bồ Đề Đập Đá mở 6 lớp, gồm 2 lớp Đệ thất, 2 lớp Đệ lục, 1 lớp Đệ ngũ, 1 lớp Đệ tứ. Niên khóa sau, trường phát triển 8 lớp gồm 2 Thất, 2 lục, 2 Ngũ, 1 Tứ, 1 lớp Đệ tam và hoạt động đến niên khóa 1974- 1975 mới dứt.
QUẬN BÌNH KHÊ : 4 TRƯỜNG
15 – Trung Học Quang Trung:
Vị trí trường nằm phía Tây Bắc thị trấn Phú Phong, cách quốc lộ 19 chừng 200 mét về hướng bắc, cách Quận Đường chừng 1 km về hướng tây, sát với ngã ba sông. Nơi đây, sông Đá Hàng (tên một phụ lưu của sông Côn, phát nguyên từ vùng núi An Tượng ở Vân Canh chảy về hướng bắc, vòng qua Hầm Hô rồi đổ ra Phú Phong theo hướng tây nam – đông bắc), gặp sông Hà Giao (tên của sông Côn ở đầu nguồn) chảy từ tây bắc xuống đông nam. Khuôn viên trường là một phần đất của hãng Delignon (công ty dệt tơ tằm của Pháp ngày xưa), mặt tiền (hướng bắc) và mặt hông (hướng tây) ngó ra sông nên cảnh trí rất thơ mộng.
H 19: Trường Trung Học Quang Trung ở Bình Khê. Ảnh của Kinh Thi, 1972.
Niên khóa đầu tiên (1964- 1965), Trung Học Quang Trung chỉ có 2 lớp Sáu và 1 lớp Bảy. Trường sở là dãy nhà trệt 4 phòng, nằm phía đông của khuôn viên, đối diện với trường Tiểu Học Quận Bình Khê. Vị Hiệu trưởng trường Tiểu Học này là thầy Nguyễn Đồng, kiêm nhiệm luôn cả chức Hiệu trưởng Trung Học, cho đến năm 1968.
Niên khóa 1968- 1969, Trường xây dãy lầu 6 phòng học và 2 phòng hành chánh, nằm giữa sân trường, mặt ngó ra sông. Niên khóa 1971- 1972, trường xây thêm dãy lầu 6 phòng học, nằm phía tây sân trường. Lúc này, cơ sở trường có ba dãy nhà gồm 18 phòng học, liên kết thành hình chữ môn. Ngoài ra, còn một dãy nhà trệt, nằm bên tay phải cổng vào, gồm 3 phòng làm việc, dành cho hiệu trưởng, giám học và giáo sư. Nhận thấy dãy phòng học ở phía đông là nhà trệt không cân xứng nên trường định sẽ phá bỏ để thay thế bằng dãy lầu. Ngoài ra trường cũng đã mua đủ kính, dự định hè năm 1975, sẽ thay thế toàn bộ cửa sổ lá sách các phòng, bằng cửa kính cho sáng sủa và ấm áp, trong mùa đông gió bấc phải đóng kín cửa.
Trường Trung Học Quang Trung, lúc đầu chỉ có 6 giáo sư, với 3 lớp đệ nhất cấp, trải qua 11 niên khóa, Trường phát triển đến 36 giáo sư chính thức (không kể giáo sư phụ dạy giờ), với 32 lớp gồm: 2 lớp Mười hai (mới có trong niên khóa 1974- 1975), 3 lớp Mười một, 4 lớp Mười, 5 lớp Chín, 5 lớp Tám, 6 lớp Bảy và 7 lớp Sáu.
Thành phần Ban Giám Đốc của trường, Hiệu trưởng từ 1964- 1968 là thầy Nguyễn Đồng, từ 1968- 1975 là thầy Trần Văn Thái. Giám học là thầy Trần Cẩm Tú từ 1972- 1975. Tổng Giám thị, từ 1968- 1972 là thầy Nguyễn Thao, từ 1972- 1975 thầy Trương Di. Dự trù niên khóa 1975- 1976, trường sẽ có đủ số lớp quy định để Bộ Quốc Gia Giáo Dục bổ nhiệm thêm chức Phụ tá Giám học và Phụ tá Tổng Giám thị.
H 20: Ban Giám Đốc và Giáo Sư Trung Học Quang Trung, 1974. Ảnh từ Quangtrungbinhkhe.blogspot.com
16 – Trung Học Bồ Đề Bình Khê:
Trường tư thục Đệ Nhất cấp do Giáo Hội Phật Giáo Bình Khê thành lập năm 1964. Ngày khởi công xây cất có Thượng tọa Thích Tâm Châu đến dự và đặt viên đá đầu tiên. Trường sở gồm 4 phòng trệt, ngó ra quốc lộ 19 và nằm ngay trước mặt Quận Đường Bình Khê. Niên khóa đầu tiên (1964- 1965) có 6 lớp gồm 2 lớp Đệ thất, 2 lớp Đệ lục, 1 lớp Đệ ngũ, 1 lớp Đệ tứ. Từ năm 1964- 1966, thầy Quách Vĩnh Khương làm Hiệu trưởng, từ 1966- 1975 thầy Nguyễn Minh đảm nhận chức vụ này.
17 – Trung Học Tiến Đức:
Trường Tư thục Đệ Nhất cấp do ông Huỳnh Sô và một số giáo sư ở địa phương sáng lập, khai giảng từ niên khóa 1963- 1964 có 2 lớp Đệ thất và 1 lớp Đệ lục. Ban điều hành mướn 2 căn phố liền nhau để làm phòng học, cơ sở nằm trên con đường nối liền Quốc lộ 19 đến Điện thờ Tây Sơn. Trường chỉ hoạt động trong hai niên khóa và Hiệu trưởng là Huỳnh Sô.
18 – Trung Học Trần Quang Diệu:
Nguyên là trường Tiểu Học xã Bình Thành, nằm trên địa bàn của thôn Kiên Mỹ, gần Điện Tây Sơn. Niên khóa 1971- 1972, nâng cấp thành trường Công lập Đệ Nhất cấp, thầy Đặng Thành làm Hiệu trưởng kiêm nhiệm cả tiểu học lẫn trung học. Niên khóa 1974- 1975 phát triển đến lớp 9.
QUẬN PHÙ CÁT : 3 TRƯỜNG
19 – Trung Học Phù Cát:
Trường Công lập Đệ Nhị cấp, được thành lập từ niên khóa 1967- 1968, mới đầu chỉ có 2 lớp Đệ thất. Đến niên khóa 1974- 1975, qua 8 năm hoạt động, Trường phát triển đến mức mở được 15 lớp Sáu (niên khóa trước có 7 lớp Sáu), và 4 (?) lớp Mười hai (2A, 2B). Cũng như Trung Học Tuy Phước, học sinh lớp 12 của Trường này, không kịp thi lấy bằng Tú tài phổ thông trong niên khóa cuối cùng.
Trường có 3 dãy nhà trệt vách gạch, lợp ngói, liên kết thành hình chữ U. Về nhân sự điều hành, lúc mới thành lập, ông Bành Quang Khánh tạm thời xử lý thường vụ trong vài tháng. Cũng ngay trong niên học đầu, Bộ Giáo Dục cử thầy Nguyễn Văn Mẹo giữ chức Hiệu trưởng (1967- 1975). Rồi theo đà số lớp gia tăng nhanh chóng, Bộ Giáo Dục đã cử thầy Trần Văn Thương làm Giám học, thầy Cao Công Điện Phụ tá Giám học, thầy Đặng Hồng Sanh Tổng Giám thị và thầy Huỳnh Văn Phẩm Phụ tá Tổng Giám thị.
20 – Trung Học Giuse Phù Cát:
Trường Trung học Tư thục Đệ Nhất cấp, Giám học (?) Trần Long Bá.
21 – Trung Học Bồ Đề Phù Cát:
Tại xã Cát Nhơn, có trường Trung học Tư thục Đệ Nhất cấp của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất, do Thượng tọa Thích Nguyên Trí làm Hiệu trưởng.
QUẬN PHÙ MỸ : 4 TRƯỜNG
22 – Trung Học Lê Chất:
Tháng 10- 1964, thành lập trường Trung Học Công Lập Phù Mỹ. Khai giảng niên khóa đầu tiên (1964- 1965), trường mở 1 lớp Đệ thất, thầy Nguyễn Văn Tân làm Hiệu Trưởng, và mượn phòng của trường Tiểu Học Phù Mỹ để giảng dạy.
Niên khóa 1967- 1968, Trường có 4 lớp: 1 Thất, 1 Lục, 1 Ngũ, 1 Tứ. Giữa năm học, ông Nguyễn Văn Tân nhận lệnh nhập ngũ. Ngày 8- 1- 1968, thầy Trương Quang Tấn về làm Xử lý thường vụ. Cũng trong niên khóa này trường Trung học dời về địa điểm mới, ở cây số 1, cách Quận Đường 1 km về hướng Nam. Trường mới, có 3 phòng xây lợp tôn, nằm về phía Bắc của khuôn viên rộng hơn nửa mẫu tây, ở bên trái Quốc lộ 1 nếu từ Nam ra Bắc. Tháng 3-1968, Cơ Quan Viện Trợ Hoa Kỳ cho Trường 4 phòng đúc, nhưng họ chỉ cung cấp sắt cây, 200 bao ciment và 200 tấm tôn. Sau khi chiết tính, Trường chỉ đủ xây 2 phòng và đóng trần cho 3 phòng cũ. Phải bán hết sắt với một số ciment, để mua gạch, cát và trả tiền công thợ.
H 21: Trung Học Phù Mỹ, lễ tổng kết 1968. Ảnh tài liệu của Nguyễn Quang Tấn.
Niên khóa 1968- 1969, trường tăng 6 lớp, vì thu nhận đến 3 lớp Đệ thất.
Niên khóa 1969- 1970, trường có đến 11 lớp, ngoài 3 Thất chính thức, Trường còn nhận thêm 3 lớp Thất dự khuyết. Mỗi học sinh dự khuyết phải đóng cho Hội Phụ Huynh 10.000$ để xây cổng trường và bờ rào. Đáp ứng với đà gia tăng sĩ số, Bộ Giáo Dục cho xây 6 phòng lợp ngói. Dãy lớp này, nhà thầu Nguyễn Hợp thi công, ở phía Nam và đối diện với 5 phòng phía Bắc qua một sân trường rộng. Bấy giờ trường có 9 phòng học và 2 làm văn phòng.
Giữa năm 1970, Nguyễn Văn Tân trở lại Trường và làm Hiệu trưởng trong hai niên khóa (1970- 1972). Ông được thuyên chuyển vào Sài Gòn, bàn giao chức vụ Hiệu trưởng cho Trương Quang Tấn theo Sự vụ lệnh của Bộ Giáo Dục. Sau đó, thầy Tấn vào Sài Gòn học khóa Quản trị Học đường và được hợp thức hóa bằng Nghị định.
Niên khóa 1972- 1973, Trường mở một lớp 10 ban B, và xin Bộ Giáo Dục cấp giấy phép trường Đệ Nhị cấp.
Niên khóa 1973- 1974, Trường có 23 lớp, gồm: 9 lớp Sáu, 6 lớp Bảy, 4 lớp Tám, 2 lớp Chín, 1 lớp 10B, 1 lớp 11B. Bộ Giáo Dục cử thầy Trần Đại Nghĩa làm Tổng Giám Thị bằng Sự vụ lệnh và hợp thức hóa bằng Nghị định. Đồng thời Bộ cũng chi ngân sách cho xây cất dãy phòng phía tây bằng xi măng cốt sắt. Đợt đầu xây 4 phòng trệt, giữa có gian cầu thang rộng, tiện việc lên xuống nhiều người cùng lúc.
Niên khóa 1974- 1975, Trường phát triển 32 lớp, gồm: 9 lớp Sáu, 9 lớp Bảy, 6 lớp Tám, 4 lớp Chín, 2 lớp 10 (1A+ 1B), 1 lớp 11B, 1 lớp 12B. Dãy 8 phòng ở phía Tây, tiếp tục xây 4 phòng lầu, nhưng mới thực hiện được 3 phòng, thì chấm dứt. Và đây là niên khóa cuối cùng của trường Trung Học Công Lập Đệ Nhị Cấp Lê Chất, trong khi học sinh lớp 12B, sau 7 năm theo học bậc trung học, chưa kịp thi lấy bằng Tú tài phổ thông.
H22: Trung Học Lê Chất ở Phù Mỹ, lễ tổng kết 1973. Ảnh tài liệu của Nguyễn Quang Tấn.
23 – Trung Học Toàn Mỹ:
Trường Trung học tư thục Đệ Nhất cấp của Công Giáo, thành lập từ niên khóa 1960- 1961, Linh mục Hóa làm Hiệu Trưởng. Trường xây cất bằng vật liệu kiên cố, có lầu và tọa lạc trên một khu đất rộng, ở thôn An Hoan xã Mỹ Chánh. Cảnh trường rất nên thơ, nằm cạnh khúc sông đẹp, gần bến ghe bầu, buôn bán tấp nập. Nhờ có trường Trung Học Toàn Mỹ, con em các gia đình nghèo ở các xã Mỹ Chánh, Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ Cát, Mỹ Tài… đỡ phần thất học vì không đủ đài thọ đi xa để theo học ở Trung Học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn hay Trung Học Cường Để Qui Nhơn.
24 – Trung Học Đồng Công ở Nhà Đá:
Trường Trung học tư thục Đệ Nhất cấp của Giáo Hội Công Giáo, ở xã Mỹ Hiệp, thành lập từ niên khóa 1964- 1965.
25 – Trung Học Bồ Đề Phù Mỹ:
Bồ Đề Phù Mỹ là Trung học Tư thục Đệ Nhất cấp của Giáo Hội Phật Giáo, ở quận lỵ, thành lập khoảng năm 1964 và phát triển đến lớp Đệ tứ.
QUẬN AN TÚC : 1 TRƯỜNG
26 – Trung Học Đề Thám:
An Túc nguyên là quận Tân An của tỉnh Pleiku, được sáp nhập vào tỉnh Bình Định, đổi tên là quận An Túc theo Sắc lệnh số 63- NV của Tổng Thống VNCH ký ngày 13- 3- 1959 [20]. Ngoài ra còn có thêm 3 xã K. Gol, Kon Pong, Kon Vong của tỉnh Kon Tum cũng được sáp nhập vào quận An Túc.
Giữa thập niên 1960, dân cư quận An Túc trở nên đông đúc vì Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Không Vận Kỵ Binh Mỹ đóng ở đây, các dịch vụ buôn bán và quán xá mỗi ngày một nhiều. Thêm nữa, số người ở An Lão, Hoài Ân, Tam Quan, Vĩnh Thạnh tản cư lên đây càng ngày càng đông. Trước nhu cầu giáo dục, năm 1967 Trung Học Đề Thám được thành lập ngay tại thị trấn, sát sân Vận động và cách Quận Đường chừng 200 mét. Trường sở gồm 3 dãy nhà liên kết hình chữ U, đáy là khu nhà đúc 2 tầng có 8 phòng học và một cầu thang rộng ở giữa. Hai dãy nhà hai bên, một dãy dùng làm khu văn phòng, dãy đối diện dùng làm phòng hội và thư viện, nhưng ngày thường vẫn dùng làm phòng học.
Vị Hiệu trưởng đầu tiên là Nguyễn Đình Hà, kế đến Trần Hữu Lam, sau rốt là Đỗ Công Tiếp. Những năm cuối cùng, Trường mới có Tổng Giám thị và thầy Nguyễn Đình Hinh giữ chức vụ này. Ngoài ra, Trường có các Giáo sư chính thức như: Châu Văn Tâm, Hà Ngọc Đăng, Lê Trọng, Nguyễn Bình, Nguyễn Đình Long, Nguyễn Hữu Tấn, Nguyễn Văn Cang, Nguyễn Văn Tể, Trần Văn Minh, Hải (không rõ họ), và các Cô: Bùi Thị Trà, Phan Thị Hồng.
Niên khóa đầu (1967- 1968) Trường chỉ có 1 lớp Đệ Thất. Qua 8 năm hoạt động, niên khóa 1974- 1975, trường phát triển đến 25 lớp, gồm: 6 lớp Sáu, 6 lớp Bảy, 5 lớp Tám, 4 lớp Chín, 2 lớp Mười, 2 lớp Mười Một; và trở thành Trường Trung học Công lập Đệ Nhị cấp.
QUẬN HOÀI NHƠN : 2 TRƯỜNG
27 – Trung Học Tăng Bạt Hổ:
Trường Trung Học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn khai giảng ngày 5- 11- 1955, thu nhận học sinh các quận ở Bắc Bình Định, từ Phù Mỹ trở ra và cả quận Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi. Niên khóa 1955- 1956, Trường mở 6 lớp gồm 1 Đệ thất, 3 Đệ lục, 1 Đệ ngũ, 1 Đệ tứ. Lúc ấy, Trường chưa kịp xây cất, các lớp phải học tạm tại nhà dân hay các trường làng ở thôn An Tây như Miễu Chòm, Liên Nông và các nhà dân ở thôn Phụ Đức; còn văn phòng đặt tại tư gia ông Thủ Sắc (thân sinh Bác sĩ Minh).
Bộ Quốc Gia Giáo Dục cử thầy Đoàn Nhật Tấn làm Hiệu Trưởng, thầy Phạm Khắc Thành làm Giám thị. Niên khóa đầu, Ban giảng huấn gồm các giáo sư: Đoàn Nhật Tấn người Tài Lương xã Hoài Thanh, Hoàng Đôn Trịnh người Tam Quan, và quý vị ở Huế vào như ông Lê Văn Thự, Lê Tú Vinh, Nguyễn Đức Duyên, Trần Đình Đàm, Trần Xuân Dưỡng [21], rồi có thêm Phạm Đức Bảo từ Sài Gòn ra. Sau nữa, là các giáo sư Nguyễn Diễn (Quảng Ngãi), Phạm Ngọc Liễn (Bắc), Phạm Xuân Điềm, Trần Đình Cang (Nhạc sĩ Phương Mai), Trương Ngọc Phú…
Thi xong Đệ Nhất lục cá nguyệt, khoảng đầu năm 1956, trường dời về cơ sở mới [22], gồm 6 phòng học vách đất tô vôi, lợp tôn, trần bằng cót tre. Trường xây cất trên khoảnh đất khá rộng, trước kia là đồn lính Pháp, quen gọi là khu “Đất Đồn”. Nơi đây, mặt trước giáp Quốc lộ 1, tại ngã ba đường lên An Lão, mặt sau có đường xe lửa xuyên Việt.
Từ niên khóa 1957- 1958 trở đi, có thêm các thầy: Bùi Xuân Diêu, Dương Công Ấm, Dương Thanh Tùng, Đặng Ngọc Tốt, Đặng Vĩnh Hồng, Đinh Phúc Văn, Hà Công Bê, Hoàng Minh Phương, Huỳnh Hữu Dụng, Huỳnh Văn Gi, Lê Minh Tâm, Lê Văn Dung, Lê Văn Minh, Mai Trọng Hòa, Nguyễn An Hảo, Nguyễn Chư, Nguyễn Đình Tự, Nguyễn Hứa Phương, Nguyễn Kiệt, Nguyễn Tích, Nguyễn Văn Trợ, Phạm Phú Dương, Phạm Thành, Phạm Văn Song, Phan Viết Hưng, Phùng Rân, Tạ Văn Ry, Trần Công Ly Tao, Trần Đình Du, Trần Đình Uẩn, Võ Thành Công, Võ Thu Lương… Và các cô: Hồ Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Hoàng Lan, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Thu Ba, Trần Thị Thu Hà, Trương Thị Tạo, Văn Thị Mận, Võ Thị Trà Liên… [23]
Trong số Giáo sư của Trung Học Tăng Bạt Hổ, có hai vị trước là cựu học sinh của Trường: Ông Phạm Thành, học Đệ tứ (1955- 1956), sau về làm Hiệu trưởng từ 1970- 1972, lúc Trường ở Bồng Sơn. Kế đến, ông Lê Văn Minh, học Đệ lục, ngũ, tứ (1955- 1958), sau về làm Hiệu trưởng, niên khóa 1972- 1973, lúc Trường dời về Qui Nhơn.
Một dấu ấn khó quên, niên khóa đầu tiên 1955- 1956, khoa thi Trung Học Đệ Nhất Cấp (lấy bằng Thành chung) kỳ 1, vào tháng 6 năm 1956, Hội Đồng Thí Vụ mở tại trường Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn, dành cho thí sinh 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên ứng thí. Nhưng khi chấm bài thi, Ban Giám Khảo phân đôi: Một nhóm vào Qui Nhơn trú sở, phụ trách bài của thí sinh trường Cường Để và trường Nguyễn Huệ ở Tuy Hòa. Nhóm kia, vẫn trụ tại Bồng Sơn, chấm bài của thí sinh trường Tăng Bạt Hổ và Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi. Chánh Chủ Khảo là Giáo sư Trần Văn Việt, Hiệu trưởng trường Chu Văn An Sài Gòn, vẫn đặt Tổng Hành Dinh tại Bồng Sơn suốt cả thời gian mở khoa thi. Vì vậy, tất cả thí sinh đỗ thi viết, phải trở lại Bồng Sơn để thi vấn đáp (oral). Và đây là lần đầu, cũng là lần cuối, trường Tăng Bạt Hổ được Bộ Quốc Gia Giáo Dục chọn mở khoa thi [24].
Niên khóa 1958- 1959, Trung Học Tăng Bạt Hổ vẫn chưa có Đệ tam, số học sinh khi tốt nghiệp Trung học Đệ Nhất cấp, muốn học tiếp, phải vào Trung Học Cường Để Qui Nhơn [25].
Khoảng niên khóa 1962- 1963, Trung Học Tăng Bạt Hổ có Nghị định chuyển thành trường Đệ Nhị cấp. Tính đến năm 1975, Trường có tuổi đời 20 niên khóa, trải qua 8 vị Hiệu trưởng hoặc Xử lý thường vụ.
Đặc điểm thứ 2, Trung Học Tăng Bạt Hổ, có hai địa điểm sinh hoạt: từ năm 1955- 1972, đóng tại Bồng Sơn; từ năm 1972- 1975 dời về Qui Nhơn. Bài này, chỉ đề cập đến giai đoạn ở Bồng Sơn.
- Từ 1955- 1962, Hiệu trưởng Đoàn Nhật Tấn, Giám thị Phạm Khắc Thành, rồi Nguyễn Bá Hoàng, sau lại Phạm Khắc Thành. Niên khóa 1961- 1962 bắt đầu mở Đệ tam.
- Từ 1962-1966, Hiệu trưởng Hoàng Đôn Trịnh, Tổng Giám thị là Huỳnh Ngọc Anh, Giám thị Phạm Khắc Thành.
- Từ 1966- 1969, Hiệu trưởng Huỳnh Hữu Dụng, Tổng Giám thị Huỳnh Ngọc Anh, kế tiếp là Đặng Ngọc Anh.
Niên khóa 1969- 1970, Trường có 22 lớp, gồm: 4/6, 4/7/, 4/8, 4/9, 3/10 (2A+ 1B), 3/11 (2A+1B). Trường bắt đầu có Giám học, nhưng đến khoảng tháng 11- 1969, Hiệu trưởng Huỳnh Hữu Dụng chuyển về Qui Nhơn, Giám học Phạm Thành kiêm Xử lý thường vụ Hiệu trưởng.
- Từ 1970- 1972, Hiệu trưởng Phạm Thành, Giám học Lê Ninh Hậu, Tổng Giám thị Đặng Ngọc Anh (chưa có Phụ tá Giám học và Phụ tá Tổng Giám thị).
Niên khóa 1970- 1971, Trường có 26 lớp, gồm: 6/6, 4/7, 4/8, 4/9, 3/10 (2A+ 1B), 3/11 (2A+1B), 2/12 (1A+1B).
Niên khóa 1971- 1972, Trường có 29 lớp, gồm: 7/6, 6/7, 4/8, 4/9, 3/10 (2A+ 1B, 3/11 (2A+1B), 2/12 (1A+1B).
Thời điểm này trường phát triển cao nhất, và xếp hàng thứ 2 các trường trung học trong tỉnh (tính đến 1971- 1972), chỉ sau Trung Học Cường Để.
H 23: Trung Học Tăng Bạt Hổ ở Bồng Sơn, 1966. Ảnh từ Đặc San Lưu Kỷ Xuân Tân Tỵ 2001.
Tháng 3 năm 1972, đồng bào ba quận Bắc Bình Định di tản chiến thuật, vào trại tiếp cư ở Phú Tài và Qui Nhơn, trường Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn dời về thị xã Qui Nhơn và tiếp tục hoạt động thêm 3 niên khóa nữa (xem Trường Tăng Bạt Hổ Qui Nhơn, trong Phần I)
28 – Trung Học Bồ Đề Bồng Sơn:
Nguyên là trường Tư Thục Tương Lai của Giáo sư Huỳnh Văn Gi, chưa có cơ sở phải tạm mướn nhà hai phòng ở đường Quốc lộ 1 làm lớp học và khai giảng niên khóa 1958- 1959. Sau, Hội Phật Giáo tiếp nhận trường này, dời về địa điểm mới, đối diện với chùa Phật Học và đổi thành trường Trung Học Bồ Đề Bồng Sơn. Năm 1972, trường đóng cửa vì chiến cuộc.
NHA TAM QUAN : 1 TRƯỜNG
29 – Trung Học Bán Công Tam Quan:
Trường Đệ Nhất cấp, Hiệu trưởng Thái Vĩnh Thung, sau là Nguyễn Chí Thống. Ban Giảng huấn gồm các thầy như Đinh Bá Thắng, Nguyễn Kim Tâm… có mặt từ lúc trường mới thành lập.
Niên khóa đầu, 1956- 1957, Trung Học Bán Công Tam Quan mượn rạp hát của tư nhân, gần ga xe lửa. Nơi đây, phòng ốc rộng rãi nhưng tối tăm, nên chỉ dạy tạm trong thời gian ngắn:
Sơ sinh trường ở gần ga
Trong một rạp hát tư gia chung hùn.
Xung quanh rợp bóng dừa um
Rộng rãi thì có, song trùm âm u. [26]
Trường dời đến địa điểm gần lò nung vôi, nơi đây phòng ốc sáng sủa nhưng gặp trở ngại khói thoát ra nồng nặc, học sinh bị viêm đường hô hấp:
Tháng ngày cứ hít hơi vôi
Học hành trở ngại, tìm nơi xa nồng.
Niên khóa 1957- 1958, Trường lại dời về ngôi chùa cổ ba gian của người Hoa, cách chợ Tam Quan khoảng 500 mét về hướng nam:
Niên khóa mãn, học sinh đông.
Kẹt đường dọn xuống chùa Ông, Tân Thành.
Nơi đây thoải mái học hành
Dừa xanh rợp bóng, vắng tanh tiếng ồn.
Nhưng rồi chùa Ông cũng không đủ chỗ để dung nạp nhu cầu phát triển của trường. Để đáp ứng sự hiếu học của dân địa phương, năm 1958, chính quyền xây cất trường sở tại khu Rừng Quýt, thuộc thôn Tân Thành xã Tam Quan:
Hoài Nhơn, quan chức xuống lên,
Thấy trường nề nếp lại thêm trẻ nhiều.
Đoạn về kiến nghị yêu cầu
Tam Quan Trung học, quá nhiều học sinh.
Học hành tạm bợ chùa đình
Nên xây trường lớp, hợp tình Bán Công.
Tỉnh Đường chấp nhận vui lòng
Ngân sách có hạn, quận phòng phụ thêm.
Niên khóa 1958- 1959, Bán Công Tam Quan khai giảng ở cơ sở mới:
Thời gian sáu tháng đã xong
Trường xây bốn lớp, văn phòng liền chung.
H 24: Trường Trung Học Bán Công Tam Quan. Nguyễn Công Lượng cung cấp, ảnh copy.
Niên khóa 1959- 1960, lớp Đệ tứ trường này lần đầu tiên ra quân tham dự kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, đã đạt thành tích vẻ vang: Với 39 thí sinh, 17 người trúng tuyển, trong đó có 2 đoạt hạng bình, 6 bình thứ, và 9 hạng thứ [27], chiếm tỷ lệ 43,58%. Trong lúc tỷ lệ trúng tuyển trung bình là 40% cho kỳ thi lấy bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp.
Trung Học Bán Công Tam Quan đang đà phát triển. Hội Phụ Huynh học sinh dự trù đóng góp tiền để xây thêm phòng ốc. Nhưng, khoảng năm 1966, tình hình ở Tam Quan trở nên mất an ninh, trường Bán Công Tam Quan vĩnh viễn đóng cửa!
Bút nghiên được mấy năm trời,
Chiến tranh khói đạn, bom rơi lửa tràn.
Trường phải đóng cửa bỏ hoang,
Thầy trò tứ tản, mỗi đàng, mỗi nơi. [28]
H 25: Lớp Đệ Tứ Trung Học Bán Công Tam Quan niên khóa 1960- 1961. Nguyễn Công Lượng cung cấp, ảnh copy.
TỔNG KẾT TRƯỜNG TRUNG HỌC TỈNH BÌNH ĐỊNH
Ngày 16- 5- 1955, Chính quyền Quốc Gia tiếp thu tỉnh Bình Định. Khai giảng niên khóa đầu tiên (1955- 1956), toàn tỉnh chỉ có 2 trường Trung học là Cường Để ở Qui Nhơn và Tăng Bạt Hổ tại Bồng Sơn. Cọng lại, có 14 lớp Đệ Nhất cấp, gồm: 4 Thất, 5 Lục, 3 Ngũ, 2 Tứ. Qua 20 niên khóa (1955- 1975), mặc dù trong cảnh chiến tranh lan tràn, nhưng nền giáo dục Miền Nam Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, vẫn phát triển nhanh chóng.
Tính đến niên khóa 1974- 1975, tỉnh Bình Định không có quận nào hoàn toàn an ninh, nhưng vẫn có 29 trường trung học ở các quận. Trong đó, gồm 11 trường công, 2 trường bán công, 16 trường tư; chia ra có 11 trường Đệ Nhị cấp và 18 trường Đệ Nhất cấp. Trong quá trình phát triển, điển hình một số trường hợp:
- Trung Học Đào Duy Từ (Bình Định), nguyên có tên Trung Học Công Lập An Nhơn, suốt 4 niên khóa đầu (1961- 1965) chưa có phòng ốc. Trường phải tạm trú tại Trung Học Bán Công, và mượn thêm phòng ở trụ sở Hiệp Hội Nông Dân, hoặc khu công sở đối diện với Quận Đường, mới đủ chỗ cho sự phát triển các lớp học. Từ năm 1965, Công Lập An Nhơn có trường sở chính thức. Trong 10 niên khóa sau (1965- 1975), Trường phát triển rất nhanh, từ 7 lớp (1965- 1966), tăng thành 56 lớp (1974- 1975). Với mức tăng kỷ lục, vào 14 tuổi đời (1961- 1975), trung bình mỗi niên khóa Trường tăng lên 4 lớp.
- Trung Học Phạm Đăng Hưng ở Đập Đá (1969- 1975), tuổi đời chỉ có 6 niên khóa, tăng 22 lớp, trung bình mỗi niên khóa có thêm hơn 3,6 lớp.
- Trung Học Phù Cát, riêng lớp Sáu đạt mức tăng kỷ lục, niên khóa 1973- 1974 có 7 lớp, niên khóa 1974- 1975 mở đến 15 lớp.
Nếu tính cả thị xã Qui Nhơn và các quận, toàn tỉnh Bình Định có 49 trường [29], gồm: 2 trường Cao đẳng [30] chuyên nghiệp, 21 trường Đệ Nhị cấp, 26 trường Đệ Nhất cấp.
Tỉnh Bình Định cũng có đủ 7 loại trường, chia ra: 20 trường công lập (gồm phổ thông, kỹ thuật, chuyên nghiệp, tỉnh hạt), 2 trường bán công, 2 nghĩa thục, 25 tư thục.
Những dữ kiện trình bày trên, cho thấy sự phát triển vượt bực về giáo dục của tỉnh nhà. Và có thể nói, trong thời Việt Nam Cộng Hòa, Bình Định là một trong vài tỉnh có trường trung học nhiều nhất và phát triển nhanh nhất.
San Jose, khởi viết ngày 06- 12- 2004
Đào Đức Chương
GHI CHÚ
[*] Bài này đăng trong tập “Ngày Đó Chúng Mình” là Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học năm 2011. Tòa Soạn của Đặc San viết lời giáo đầu như sau:
“LTS: Đặc san CĐ – NTH 2011 đã rất vinh hạnh giới thiệu bài viết: ‘Qui Nhơn, Những Ngôi Trường Ngày Cũ’ của Thầy Đào Đức Chương. Đây là phần giới thiệu 20 ngôi trường Trung Học tọa lạc tại thị xã Qui Nhơn trong tổng số 49 ngôi trường Trung Học của toàn tỉnh Bình Định tính đến tháng 4 năm 1975.
ĐS CĐ NTH 2011 xin tiếp tục giới thiệu 29 ngôi trường Trung Học còn lại của quê hương Bình Định ngày nào và giống như năm rồi, chúng tôi lại xin phép chọn cho bài viết một tên gọi nhẹ nhàng, mang tính văn nghệ một chút cho phù hợp với tiểu mục chung ‘Phố Nhỏ, Trường Xưa Thầy Bạn Cũ’. Khi tác phẩm được giới thiệu hoàn chỉnh, đương nhiên nó sẽ mang đề tựa chính thức, chung cho cả hai bài viết, thích hợp với một công trình biên khảo: ‘Các Trường Trung Học Tỉnh Bình Định’. Kính mong tác giả thông cảm. Xin cảm ơn.
ĐS CĐ – NTH.” (Sách đã dẫn, trang 64)
Chúng tôi vẫn giữ tên đầu đề “Bình Định, Những Ngôi Trường Trong Trí Nhớ”, làm đề tựa Phần II cho tác phẩm “Các Trường Trung Học Tỉnh Bình Định”, như là một kỷ niệm 2011 với Tòa Soạn Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học.
[1] Nguyễn Thanh Liêm; Tổng Quát Về Giáo Dục Ở Miền Nam Tự Do; “Giáo Dục Ở Miền Nam Tự Do Trước 1975″, Nhiều tác giả (Santa Ana, Lê Văn Duyệt Foundation ấn hành và xuất bản), 2006; trang 6.
[2] Trung Học Bán Công là loại trường phần lớn do dân chúng trong vùng đóng góp tiền để xây cất cơ sở, nếu thiếu một ít, tỉnh sẽ cung cấp. Về nhân sự, Hiệu trưởng trường Trung Học Bán Công là một giáo sư trường công lập, được Sở Học chánh hay Hiệu trưởng Trung học trường tỉnh bổ nhiệm, bằng một Sự vụ lệnh và Tỉnh trưởng sở tại duyệt khán. Ban giảng huấn do Hiệu Trưởng Bán Công mời: Nếu là giáo sư tư nhân thì phải làm đơn xin tỉnh bổ nhiệm. Nếu là giáo sư chánh ngạch hay khế ước, ngoài số giờ quy định ở trường công lập, có thể xin dạy giờ tại Bán Công. Học sinh chỉ cần làm đơn xin nhập học, kèm theo giấy hộ tịch và chứng chỉ học trình, phải đóng học phí vào đầu tháng, nhưng giá tiền ít hơn trường tư. Lương giáo chức được tính theo số giờ dạy trong thời khóa biểu và trả vào mỗi cuối tháng. Số tiền chi thu của trường, hàng tháng phải lập tờ trình báo cho tỉnh, quận và Sở Học chánh hoặc Ty Giáo dục biết, không ai được chi tiêu vào việc riêng.
[3] Trung Học Tỉnh Hạt là mẫu trường công, được thành lập theo công thức: chính quyền tỉnh và phụ huynh học sinh đảm nhận việc xây cất trường sở, Bộ Giáo dục lo việc bổ nhiệm giáo chức và nhân viên. Số lớp của trường phát triển tùy theo khả năng xây cất phòng ốc của địa phương, Bộ Giáo dục cũng theo đó mà cung cấp nhân sự và đài thọ lương bỗng. Học sinh muốn vào lớp 6, phải qua kỳ thi tuyển, như các trường công lập bình thường và quyền lợi ngang nhau.
[4] Phách là phần giấy ở đầu mỗi bài thi, in mẫu ghi lý lịch của thí sinh (họ và tên, ngày sinh, nơi sinh, số báo danh). Chủ khảo ghi mật mã vào phách và trên bài thi, rọc phách trước khi trao bài cho các Giám khảo 1 chấm, rồi Giám khảo 2 chấm lại lần nữa, lấy điểm trung bình cọng. Xong, căn cứ vào mật mã, ráp phách lại, biết tên mà ghi vào bảng kê điểm của thí sinh.
[5] Theo Hiệu trưởng Dương Lễ, kinh phí xây dựng Trung Học Tuy Phước do tỉnh đại thọ. Theo Giám học Đặng Văn Hiệu, tiền xây cất trường hoàn toàn do Hội Phụ huynh lo liệu. Vào mỗi dịp nghỉ hè, Hội Phụ huynh họp với Ban Giám đốc (sau 1975 gọi là Ban Giám hiệu) của trường, lên kế hoạch xây cất thêm 2 phòng, phù hợp với sự gia tăng 3 lớp cho mỗi niên khóa. Hai ý kiến khác biệt đó, có thể hiểu rằng: 3 phòng học đầu tiên do ngân sách tỉnh đài thọ (Lúc đó, trường chỉ có Hiệu trưởng, chưa có các lớp Đệ Nhị cấp nên không có Giám học. Bởi vậy, Đặng Văn Hiệu không rõ sự việc thuở ban đầu). Về sau, việc trường ốc hoàn toàn do Hội Phụ huynh đảm nhận.
[6, 8] Số phòng và số giáo sư của trường, chép theo lời Giám học Đặng Văn Hiệu, qua điện đàm ngày10- 3- 2011.
[7] Nếu căn cứ vào thành phần Ban Giám đốc (đủ 5 người), với 72 giáo sư và có đến 10 lớp Sáu, 3 lớp Mười hai (1974- 1975), có thể phỏng tính tổng số lớp và sĩ số toàn trường.
[9,11] Đầu năm 1970, cải tổ Giáo Dục, vẫn giữ hệ 12 năm, nhưng thay đổi danh xưng các lớp từ Tiểu học đến hết Trung học, nay được gọi là:
- Tiểu học: Lớp 1 (Năm), Lớp 2 (Tư), Lớp 3 (Ba), Lớp 4 (Nhì), Lớp 5 (Nhất).
- Trung học Đệ Nhất cấp: Lớp 6 (Đệ thất), Lớp 7 (Đệ lục), Lớp 8 (Đệ ngũ), Lớp 9 (Đệ tứ).
- Trung học Đệ Nhị cấp: Lớp 10 (Đệ tam), Lớp 11 (Đệ nhị), Lớp 12 (Đệ nhất).
[10] Không nhớ rõ tổng số lớp, nhưng biết chắc Trường đã mở đến lớp Chín, vì tác giả của bài này có dạy giờ ở đó.
[12] Niên khóa 1970- 1971 dãy phòng này chỉ xây tầng trệt, nhưng trong thiết kế dự trù sẽ có tầng lầu.
[13] Theo Nghị định số 468- GD/NV/2P/NĐ, Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục Ngô Khắc Tỉnh ký ngày 21- 2- 1973.
[14] Khoảng tháng 2 năm 1975, Ty Giáo Dục tỉnh Bình Định mở cuộc họp, mời các vị Hiệu trưởng của những Trường Trung Học liên hệ, bàn việc niên khóa tới toàn bộ lớp 12 của hai trường Trung Học Phù Cát và Trung Học Phù Mỹ sẽ chuyển vào học tại Trung Học Đào Duy Từ Bình Định. Cuối cùng, Phó Ty trưởng Phan Bá Trác đề nghị thêm, trên nguyên tắc là học sinh lớp 12 của 2 trường trên phải chuyển đến Trường Đào- Duy Từ, nhưng nếu ai có thân nhân ở Qui Nhơn, có thể xin chuyển về Trung Học Cường Để hay Nữ Trung Học cũng được. Đây là lần họp cuối cùng giữa Ty Giáo Dục và các Hiệu trưởng Trung học liên hệ, bàn việc chuyển trường cho học sinh lớp 12. Sự kiện lịch sử này, anh Phan Bá Trác (hiện ở Dallas, Texas) cung cấp, và Hồ Sĩ Phùng (hiện ở Sài Gòn) là cựu Hiệu trưởng Trường Đào Duy Từ xác nhận có.
[15] Hai dãy lầu, trên thực tế, dãy lầu phía nam đã hoàn tất, còn dãy lầu phía bắc (nằm hai bên cổng trường), tầng trệt đã xây xong và đưa vào sử dụng, còn tầng lầu dự trù niên khóa 1975- 1976 sẽ xây tiếp.
[16, 17] V.L. (là tên tác giả viết tắt); Vài Nét Về Bán Công An Nhơn; “Đặc San Xuân Canh Tuất” (Trung Học Bán Công An Nhơn), 1970; trang 6- 7.
[18] Không có tài liệu, chỉ viết theo trí nhớ, có thể không chính xác về con số.
[19] V.L.; Vài Nét Về Bán Công An Nhơn; trang 7.
[20] Nguyễn Quang Ân; Việt Nam Những Thay Đổi Địa Danh Và Địa Giới Các Đơn Vị Hành Chính 1945- 1997 (Hà Nội, nxb Văn Hóa – Thông Tin, 1997); trang 121.
[21] Theo Lê Tú Vinh (Giáo sư Trung Học Tăng Bạt Hổ từ thuở đầu tiên), Sự vụ lệnh bổ dụng 6 người, nhưng ông Ngô Kha không đi.
[22] Các lớp Tăng Bạt Hổ dời về trường mới, có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm: Theo Lê Tú Vinh (Giáo sư Cố vấn Lớp Đệ ngũ TBH, 1955- 1956), sau kỳ thi Đệ nhất lục cá nguyệt, tức khoảng đầu năm 1956, các lớp Trung Học Tăng Bạt Hổ dời về trường mới. Theo Phạm Thành (cựu học sinh Đệ tứ TBH, 1955- 1956), khoảng đầu tháng 12- 1955, dời toàn bộ các lớp Trung Học Tăng Bạt Hổ về trường mới ở khu “Đất Đồn”. Theo Lưu Kỷ Cựu Học Sinh Trường Trung Học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn, Xuân Tân Tỵ 2001, qua bài viết của Ban Biên Tập “Vài Nét về Trường Trung Học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn”, trang 1, có đoạn chép “…Đầu tháng 10- 1955, hai dãy trường lợp bằng tole trên khu ‘Đất Đồn’ được xây dựng xong, văn phòng nhà trường và tất cả các lớp được dời về đó…”
[23] Giáo sư Trường Tăng Bạt Hổ khoảng 85 người.
[24] Như đã nói trên, thi lấy bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp niên khóa 1955- 1956, kỳ 1 thi ở Bồng Sơn; kỳ 2, vào tháng 8- 1956, Hội Đồng Thi cũng chung cho ba tỉnh nhưng mở tại Qui Nhơn.
[25] Nguyễn Thanh Phước; Lớp Đệ Lục III (1955- 1956); “Lưu Kỷ Cựu Học Sinh Trường Trung Học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn”, Xuân Tân Tỵ 2001; trang 127- 138.
[26, 27, 28] Tài liệu do ông Nguyễn Công Lượng, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Đặc San Lại Giang, cung cấp: các bài văn “Anh Thái Vĩnh Thung” của Đinh Bá Thắng (cựu Giáo sư Bán Công Tam Quan), “Từ Ngôi Chùa Cổ” của Trương Ngọc Lệ (cựu học sinh Bán Công Tam Quan), và bài thơ “Lịch Sử Trường Trung Học Bán Công Tam Quan” của Phạm Xuân Điềm (cựu Giáo sư Trung Học Tăng Bạt Hổ).
[29] Tính cả Trung Học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn (ở quận) và Trung Học Tăng Bạt Hổ Qui Nhơn (ở thị xã), tỉnh Bình Định có 49 trường.
[30] Trường Sư Phạm Thực Hành, tuy thu nhận học sinh cấp 1 và giảng dạy chương trình Tiểu học, nhưng mục đích chính là dành cho giáo sinh thực tập và luyện tay nghề. Giờ thực tập của mỗi Giáo sinh, có Thầy dạy ở Trường Sư Phạm đến hướng dẫn và chấm điểm, có Giáo viên phụ trách lớp dự khán phê bình, có các Giáo sinh cùng lớp dự thính để học hỏi. Vì vậy, cũng có thể coi là trường Cao đẳng, đào tạo thầy giáo ngạch Giáo Học Bổ Túc.
Người gửi / điện thoại
____________________________________________________________________________________________________
Trang chủ | | | | Thông báo khẩn | Liên hệ
Chuyên mục tĩnhtâm | Chuyên mục học tâp | Thế giới tâm linh | Trích đoạn sách hay | Chuyện lạ bốn phương | _________________________________________________________________________________________________
Thôn An Hòa - xã Phước an - huyện Tuy Phước - tỉnh Bình định
NẾU BÀ CON QUÊN TÊN MIỀN, HÃY VÀO GOOGLE TÌM VỚI TỪ KHÓA : tộc nguyễn phước an tuy phước, hoặc tộc nguyễn tuy phước....
Quản trị website : Nguyễn Ngọc Quỳnh tel : 0945 30 50 60 email : quynh0945305060@gmail.com