Mật mã Đờ-Vanh-Su

Gần đây báo chí có đề cập tới hiện tượng “ngôn ngữ teen” với những kí hiệu khó hiểu. Có ý kiến cho rằng phải báo động vì chả mấy tiếng Việt trong sáng sớm mà mất gốc. Cũng có ý kiến ủng hộ cho rằng thật đáng mừng, đó là cá tính, đó là sự sáng tạo. Trước khi tranh luận, hãy bình an và thử đào sâu một chút, bạn sẽ thấy nhiều sự thật thú vị!

 

Sự thật đầu tiên, ai cũng dễ dàng nhận ra.

Từ thuở khai thiên lập địa, ông cha ta đã biết dùng các kí hiệu để truyền lại bí mật nào đó cho thế hệ sau. Và các ký hiệu này thường có đặc điểm chung là khá dễ nhớ, song không phải đời con cháu nào cũng hiểu được. Bạn có thể thấy khắp nơi trên thế giới từ hang đá mới khai phá cho tới các công trình đình đám, đều có những tàn tích chứng tỏ điều đó.

Sự thật thứ hai, theo nghiên cứu về trí nhớ.

Nếu có một điều gì đó mà bạn rất nhớ, thì có thể có hai khả năng xảy ra.

Một là, dù bạn thích hay không thích thì điều đó đã được lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Ví dụ, ngay tại đây, ngay lúc này, vẫn nhìn vào màn hình, hãy thử liệt kê 7 đồ vật có trong phòng khách nhà bạn. 100% là bạn sẽ làm được, thậm chí trong đầu bạn bắt đầu xuất hiện hình ảnh về chúng, mặc dù bao nhiêu năm qua chắc ít người hỏi bạn câu này.

Hai là, điều đó đã gây một ấn tượng mạnh với bạn, nó khiến bạn cực thích thú (hoặc ngược lại). Ví dụ, bạn hãy thử nhớ lại một chuyến du lịch nào đó bạn rất thích. Thấy không, có phải bên trong bạn đã bắt đầu thấy một số hình ảnh tươi đẹp, tiếp đó là âm thanh dễ chịu, và bạn bắt đầu có cảm giác hào hứng rồi kìa!

Ngoài ra nếu có khả năng thứ ba, thì là đó là lúc cả hai khả năng trên xảy ra cùng lúc. Chẳng hạn bạn thích một câu chuyện gì đó, bạn đọc đi đọc lại nó, có ai hỏi bạn bất cứ chi tiết nào bạn đều nhớ được, thậm chí trong đầu bạn hiện rất rõ nét các khung cảnh hay nhân. Và cũng có nhiều người thân của bạn đã từng băn khoăn “cái đó có cái quái gì thú vị đâu mà nhớ khiếp thế!”

Tóm lại, càng những thứ liên quan tới bạn, càng những thứ có ý nghĩa với bạn, đặc biệt những thứ bạn tâm huyết tạo ra, thì bạn sẽ càng nhớ. Bất kể người khác có thấy khó hiểu thế nào đi nữa.

Sự thật thứ ba, theo nghiên cứu về não bộ. 

Bộ não chúng ta có hai bán cầu, trái và phải. Mỗi bán cầu phụ trách những chức năng tương đối khác nhau. Điều đáng chú ý ở đây là bán cầu não (não trái) trái xử lý những thông tin liên quan tới ngôn ngữ và lập luận, bán cầu não phải (phải) xử lý thông tin liên quan tới hình ảnh, cảm xúc.

Do vậy, nếu chỉ sử dụng ngôn ngữ và những con số thông thường thì cũng giống như bạn có hai tay hai súng mà vẫn ngoan cố chỉ dùng một cái kể cả khi nó hết đạn, hay giống như bạn có hai chân mà cứ ngoan cố nhảy lò cò khi lên cầu thang, hoặc giống như bạn có hai tay mà ngoan cố bê mọi thứ cứ thích bê mọi thứ bằng một tay. Và trong các trường hợp trên, nếu không gặp ít nhiều khó khăn, thì bạn cũng lãng phí ít nhất 50% năng lực thực sự của mình. Ở đây sử dụng từ “Ít nhất” là bởi vì vì Nhà bác học Einstein từng nói :

“Nếu như logic có thể giúp bạn đi từ A tới B, thì trí tưởng tượng sẽ giúp bạn đi tới bất cứ nơi đâu”. Einstein khuyến khích chúng ta sử dụng não phải, thứ sẽ đem lại cho bạn sức mạnh vô hạn.

Và khi kết nối ba sự thật trên, bạn sẽ thấy hiện tượng “ngôn ngữ teen” là một điều rất dễ hiểu.

Hóa ra đây lại là một xu hướng tự nhiên của não bộ. Vì hãy hình dung, làm sao mà hạnh phúc được nếu như một gia đình mà anh chồng “não phải” thích sự sáng tạo mà chỉ có ngồi xem phim, nghe nhạc, chơi games, còn cô vợ “não trái” thì có nói thế nào cũng chỉ bù đầu với những con số, chữ nghĩa thông thường khô khan. Vậy làm sao để vợ chồng “nhà não” hòa hợp với nhau?

Chắc chắn buộc phải có một thứ gì đó cả hai thích thú và có thể làm chung? À vâng, thế là đã có một đứa trẻ được sinh ra, cả hai đều phải có trách nhiệm hơn. Và “ngôn ngữ teen” hay những ký hiệu “tự chế” kia chính là một trong những đứa con đó! Đó là sản phẩm “toàn não bộ”, sự kết hợp của ngôn ngữ, số liệu khô khan (não trái) kết hợp với sự sáng tạo cảm hứng (não phải).

Và tất nhiên, bài viết này ra đời không chỉ đơn thuần đưa ra lời giải thích hay tranh luận xem thế nào thì tốt hơn. Trong cuốn “Cú đánh thức tỉnh trí sáng tạo”, Roger Von Oech đã khuyên chúng ta rằng không nên đánh giá hay chỉ trích bất kì điều gì mới mẻ, vì làm như vậy chẳng khác nào đánh sập cánh cửa có thể dẫn chúng ta tới một phát kiến hữu dụng chưa ai nghĩ tới.

Và ngày hôm nay, nếu bỏ qua những mặt hạn chế của “ngôn ngữ teen” và nhìn sâu vào bên trong bản chất. Bạn sẽ thấy nó lộ rõ câu hỏi “Có cách nào khiến việc ghi chép hay truyền đạt thông tin trở nên thú vị hơn không?”. Và câu hỏi ấy là cánh cửa đưa chúng ta tới tuyệt chiêu…

TaTuSuSu

Đây là một kỹ thuật cực đơn giản song có thể giúp bạn sử dụng sức mạnh “toàn não bộ” để tạo ra những ký hiệu cực kì thú vị, không những giúp ghi chép nhanh hơn, vẽ sơ đồ tư duy đẹp hơn (nếu bạn biết tới sơ đồ tư duy) mà còn giúp việc ghi nhớ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chúng ta bắt đầu nhé!

Bạn biết từ “Bài tập” chứ? Tất nhiên rồi, ai mà chả biết! “BTVN” có thể đã trở thành một cái gì đó rất khủng khiếp trong ấu thơ nhiều người. Có phải trong đầu bạn đang hiện lên một chồng sách vở, với một mớ câu hỏi phải không? Song hãy xem những người áp dụng “TaTuSuSu” xuất hiện gì trong đầu nhé!

Ồ! Quả là ngạc nhiên, một lá “bài” đang “tập” thể dục. Tiếp nhé, nghĩ tới “đầu tư” bạn nghĩ tới hình gì nào? có phải là tiền? hay một vài cổ phiếu? hay một ông kính đen béo múp giàu sụ nào đó. Ồ, những người xài “TaTuSuSu” có lối suy nghĩ đơn giản hơn nhiều…

Vâng, đầu tư đơn giản là “đầu” và “tư”. Có vẻ như bạn đã nắm được cốt lõi của phương pháp này rồi đấy. TaTu đơn giản là Tách Từ. SuSu là Sung Sướng. TaTuSuSu là bạn tách các từ ra, ghép chúng với các từ khác, sau đó lại ghép lại để tạo ra một sản phẩm nhìn vào đó tự nhiên thấy Sung Sướng. Đảm bảo là khi rèn luyện được tuyệt chiêu này và ứng dụng mọi lúc mọi nơi, ngoài việc ghi chép trở nên thú vị, ngoài việc nhớ nhanh hơn, thì chắc chắn bạn sẽ có lợi thế lớn khi đi thi “đuổi hình bắt chữ”!

Nếu bạn biết về sơ đồ tư duy (SĐTD) thì đây là sản phẩm của một bạn từng chia sẻ với mình rằng nào là vẽ cũng không tốt lắm, nào là môn học của bạn ấy có quá nhiều từ khó vẽ.

Và đây là kết quả sau khoảng 2 tuần rèn luyện phương pháp TaTuSuSu, mình cũng rất vui khi được nghe từ chính miệng bạn ấy “em rất vui vì giờ biến từ thành hình ảnh không mấy khó khăn, sơ đồ tư duy của em đẹp hơn, thú vị hơn, dễ nhớ hơn trước nhiều!”

Quả là sự thay đổi nhỏ làm nên khác biệt lớn phải không nào? 

Ngay tuần này, nếu bạn thật sự mong muốn điều đó hãy rèn luyện phương pháp này mọi lúc mọi nơi, hãy biến ngay tất cả những từ ngữ xuất hiện trong sách bạn đọc thành hình ảnh, hãy tự tạo cho bạn những kí hiệu riêng, hãy xây dựng một bộ tự điển hình ảnh mang phong cách của riêng bạn. Chỉ một tuần thôi, và bạn sẽ thấy những kết quả thực sự khác biệt!

Dưới đây là 3 lưu ý khi bạn tìm hình ảnh hài hước, mình có kèm theo một vài ví dụ minh họa trong “bộ từ điển ký hiệu” của mình. Để cho thú vị, bạn hãy cứ thử đoán xem hình đó là chữ gì trước, sau đó dùng chuột đánh dấu (bôi đen) phần bên phải để thấy kết quả nhé! Bạn sẽ nhận ra một điều rằng bất kỳ từ nào dù trừu tượng tới mấy cũng đều có thể tạo được ký hiệu thú vị khi dùng kỹ thuật này!

Một là, đừng ngại nghĩ tới những ý tưởng lạ, vì càng lạ càng hài bạn sẽ càng dễ nhớ.

TƯ DUY 
Số bốn duy trì nòi giống (hình tròn tròn là cái nôi em bé ^^!)

GIAO TIẾP 
Hai vòng tròn giao nhau + nút next trên điều khiển đầu đĩa

CHỨNG MINH 
Quả “trứng” phát sáng ^^!

BẢN CHẤT  
Bản làng (hình ngôi nhà) + lọ hóa chất

 

Hai là, các ký hiệu càng đơn giản càng tốt. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian. 

THUỘC TÍNH 
Kí hiệu thuộc + và dấu cộng (đại hiện cho phép tính)

NHÂN CÁCH 
Dấu nhân và dấu cách của bàn phím

TƯ CÁCH 
Số bốn và dấu cách trên bàn phím

TÍNH CÁCH 
Dấu cộng và dấu cách trên bàn phím

Ba là, sau khi làm hai điều trên nếu được thì hãy cải tiến sao cho càng sát nghĩa từ gốc càng tốt. Điều này là để đề phòng hình ảnh của bạn quá sáng tạo đến mức khiến… quên cả nghĩa gốc.

Ví dụ từ “phong ba” thì bạn nên chọn hình ảnh cơn lốc nhân 3 vẫn đủ thú vị mà sát nghĩa hơn là hình ảnh “ba” người ăn mặc “phong” phanh, vừa khó vẽ, vừa ko sát nghĩa gốc lắm.

Cuối cùng, nếu như kỹ thuật này đã từng giúp mình vượt qua môn Triết Học khó nhằn trên Đại học với điểm số 8.5/10, hay giúp mình biến những giờ học khô khan trở nên cảm hứng, thì chắc chắn nó cũng giúp được bạn!

Mình tin là chỉ cần rèn luyện khoảng 1 tuần thôi, là bạn sẽ thấy khả năng tưởng tượng, vẽ vời của bạn lên một tầm cao mới. Thậm chí, bạn sẽ thấy việc nghe giảng trên lớp hoặc nghe ai đó thuyết trình cũng trở nên thú vị hơn bao giờ hết khi mọi thứ đều biến thành hình ảnh trong đầu bạn, và sau đó bạn có thể nói lại vanh vách lời họ nói một cách dễ dàng!

Bên cạnh đó, bạn có thể kích hoạt trí tưởng tượng của mình để có thể tạo ra hình ảnh nhanh hơn, thú vị hơn thông qua bài “Rèn trí Tưởng tượng”. Hãy đọc và cùng rèn luyện nhé!

Mong chờ tin tốt lành từ bạn,

 

{Tài liệu sưu tầm} Nguyễn Ngọc Quỳnh